Mối quan hệ Đảng, Nhà nước và nhân dân trong Nhà nước pháp quyền XHCN
Kết luận tọa đàm, ông Phan Đình Trạc nêu rõ mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ thống nhất ở mục tiêu của các chủ thể đều là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Sáng 19/5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Tọa đàm "Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam."
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nêu rõ cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là một phương thức vận hành tổng thể rất đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, được ghi nhận lần đầu tiên trong Văn kiện của Đại hội V của Đảng (năm 1982), được nhắc lại trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986).
Đến Đại hội XIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ."
Nội hàm của cơ chế này phản ánh rõ nét những giá trị, đặc trưng cơ bản nhất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chủ quyền nhân dân, tính chính danh của Nhà nước và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.
Ông Phan Đình Trạc nêu rõ trong thực tế, sứ mệnh lịch sử của Đảng, chức năng quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân đã được xác lập ngay từ khi chính quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và ngày càng được củng cố, khẳng định; được thể hiện nhất quán trong cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng, được hiến định trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật; trở thành những nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước trong các thời kỳ.
Tuy nhiên, khi giải quyết mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong điều kiện mới đã bộ lộ những lúng túng.
Thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập mà nếu không sớm được giải quyết sẽ làm hạn chế việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của từng thành tố trong mối quan hệ này.
Đó là sự chồng chéo, trùng giẫm giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng với hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật của chính quyền các cấp; tính hình thức của cơ chế nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, nhất là dân chủ trực tiếp.
[Tọa đàm về kiểm soát quyền lực trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam]
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ nội hàm mối quan hệ giữa ba thành tố “Đảng lãnh đạo,” “Nhà nước quản lý” và “Nhân dân làm chủ” để làm cơ sở giải quyết những hạn chế, bất cập và đề xuất giải pháp củng cố, phát triển tốt hơn mối quan hệ lớn và quan trọng này; những giải pháp đổi mới sự lãnh đạo của Đảng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo bằng chủ trương, đường lối, không bao biện, không làm thay Nhà nước, đồng thời không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, nhất là yêu cầu độc lập tư pháp; giải pháp để tổ chức, hoạt động của các tổ chức đảng không chồng chéo, trùng dẫm với tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp...
Các ý kiến đã phân tích, thảo luận sâu về giải pháp đổi mới tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thiết chế chính trị-xã hội khác, đổi mới cơ chế để nhân dân thực hiện hình thức dân chủ trực tiếp, nhất là dân chủ ở cơ sở...
Kết luận tọa đàm, ông Phan Đình Trạc nêu rõ các ý kiến thống nhất rất cao về tính thống nhất giữa các chủ thể trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Tính thống nhất đó thể hiện ở mục tiêu của các chủ thể đều là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân.
Mối quan hệ này có tính hai chiều, biện chứng, chặt chẽ, tương hỗ, giám sát và kiểm soát lẫn nhau, không đặt quan hệ nào cao hơn.
Các ý kiến nhấn mạnh cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và các thiết chế, đồng thời đổi mới hoạt động của các chủ thể để đảm bảo hiệu lực trong thực tế, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, nhất là các thiết chế để điều chỉnh chiều ngược lại trong mối quan hệ này.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần coi trọng cả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ tham gia, dân chủ tự quản; đề cập những nội dung cụ thể trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong quản lý nhà nước và thực hiện dân chủ./.