Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với tỉnh Điện Biên

Để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Điện Biên cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế liên kết, tạo hành lang vòng cung, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh biên giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tiếp tục chương trình công tác tại Điện Biên, chiều 18/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên.

Chủ tịch nước nhấn mạnh Điện Biên là tỉnh có tỷ lệ nghèo còn cao, do đó, một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh là giảm mạnh tỷ lệ nghèo trong thời gian tới; đồng thời gợi ý tỉnh khai thác thế mạnh về sức mạnh lịch sử, văn hóa để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Điện Biên là tỉnh miền núi có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế dựa nhiều vào phát triển kinh tế rừng. Trong hai năm qua, tỉnh nỗ lực phòng, chống đại dịch COVID-19, duy trì được tăng trưởng, giải quyết việc làm. Kinh tế quý 1 của tỉnh tăng trưởng 6,7%, đạt khoảng 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do là tỉnh có địa bàn khó khăn, thiếu những dự án động lực nên kinh tế có quy mô nhỏ. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn mới cao trên 50%, riêng tỷ lệ hộ nghèo trên 35%.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Điện Biên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh, môi trường sinh thái và đối ngoại. Với địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, Chủ tịch nước cho rằng đây chính là thế mạnh về sức mạnh lịch sử, văn hóa mà tỉnh cần khai thác để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Chủ tịch nước cũng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh…, trong đó có phát triển hạ tầng giao thông như sân bay; xóa đói giảm nghèo. Với địa bàn rộng, khó khăn, cán bộ đảng viên đã sát dân, sát cơ sở, đoàn kết thống nhất, hỗ trợ bà con nhân dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

[Chủ tịch nước dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia A1]

Để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Điện Biên cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế liên kết, tạo hành lang vòng cung, phát triển kinh tế xã hội các tỉnh biên giới, bao gồm Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Tỉnh cần tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế dựa trên ba trụ cột kinh tế gồm du lịch, trải nghiệm văn hóa lịch sử; nông nghiệp thông minh và công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ.

Trong phát triển du lịch cần thu hút có chọn lọc vào một số cụm, ngành mà tỉnh có tiềm năng và lợi thế. Sử dụng công nghệ số hiện đại để xây dựng các thước phim lịch sử sinh động, hấp dẫn du khách. Liên kết các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch. Tỉnh cũng có thể nghiên cứu phát triển bất động sản du lịch tại địa phương.

Đối với nông nghiệp, tỉnh cần phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, khai thác các thế mạnh từ các cây bản địa trên địa bàn, nghiên cứu đẩy mạnh phát triển cây mắc ca gắn với công nghiệp chế biến, tạo các chuỗi liên kết trong nông nghiệp.

Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công, áp dụng chính phủ số trong cung cấp dịch vụ công; khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số để rút ngắn khoảng cách về vị trí địa lý và hạn chế về cơ sở hạ tầng.

Với tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhiều người và hộ gia đình có công với cách mạng, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ có chất lượng của người dân. Trong đó, Chủ tịch nước lưu ý giáo dục là chìa khóa quan trọng để Điện Biên giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Điện Biên cũng cần coi giảm tỷ lệ hộ nghèo là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, trong đó, cần hỗ trợ để người dân tự thoát nghèo, vượt khó vươn lên, tránh có các chính sách khiến người nhận hỗ trợ có tâm lý ỷ lại./.

QV (TTXVN/Vietnam+)