Mô hình trường song ngữ Việt Nam-Lào giúp tăng tính gắn kết giữa hai nước
Trong trường song ngữ Việt Nam-Lào, học sinh không chỉ đơn thuần được học đọc, viết và nói tiếng Việt, mà văn hóa, lịch sử Việt Nam... đều được truyền tải đến các em học sinh trong mỗi bài giảng.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 4/10 tại thủ đô Vientiane, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm cùng phu nhân đã tới thăm Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du và chúc mừng các thầy cô giáo nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Lào (7/10/1994-7/10/2024).
Phát biểu khi tiếp Đại sứ Nguyễn Minh Tâm đến thăm, Hiệu trưởng Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết là trường liên cấp từ mẫu giáo đến cấp 3, Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du có trên 1.000 học sinh, trong đó con em người Việt chiếm khoảng 30%, số còn lại là học sinh người Lào và đội ngũ gần 60 cán bộ, giáo viên.
Trong năm học 2021-2022, nhà trường vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào chọn làm trường thí điểm dạy song ngữ Lào-Việt Nam từ lớp 1-12, nhằm nhân rộng mô hình đào tạo này trên khắp đất nước Lào, giúp cho thế hệ trẻ của Lào hiểu sâu sắc thêm truyền thống mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam-Lào.
Nói chuyện với các thầy cô giáo, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm cho biết truyền thống hiếu học “tôn sư trọng đạo,” “quý trọng hiền tài” là những giá trị nhân văn và đạo lý tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam-Lào, là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ, đạo đức, văn hóa con người của Việt Nam và Lào.
Ngày Nhà giáo là dịp để tôn vinh các nhà giáo trong sự nghiệp trồng người, là một trong những nghề cao quý nhất được cả xã hội biết ơn, kính trọng và tôn vinh.
Đại sứ đánh giá cao Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả các cấp học, có vị thế trong ngành giáo dục. Học sinh của trường đã đạt được nhiều thành tích trong các kỳ thi các cấp, trong các lĩnh vực thể thao-văn hóa...
Đại sứ Nguyễn Minh Tâm biểu dương những thành tích và nỗ lực trong sự nghiệp “trồng người” của đội ngũ giáo viên nhà trường. Các thầy cô đã khắc phục khó khăn, có những sáng kiến, đổi mới trong phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng.
Đại sứ Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh tự hào với tên gọi Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, các thầy cô giáo cần thấy được sứ mệnh và trọng trách lớn lao của mình trong việc dạy và học tiếng Việt để các em học sinh bên cạnh tiếng Lào, cũng phải nói được tiếng Việt, hiểu được về lịch sử, văn hóa Việt Nam và các em học sinh gốc Việt luôn nhớ về quê hương, Tổ quốc Việt Nam.
Đại sứ mong các thầy cô đề cao ý thức rèn đức, luyện tài, yêu nghề, yêu người, không ngừng học tập tu dưỡng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, năng động, sáng tạo, linh hoạt, có cách tiếp cận mới trong dạy và học qua đó góp phần bồi dưỡng thế hệ tương lai vừa hồng, vừa chuyên với tinh thần yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu.
Về việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ mục đích của nhà trường là tiếng Việt được học như một ngôn ngữ phổ thông. Trong nhà trường, tiếng Việt luôn được ưu tiên hàng đầu. Học sinh không chỉ đơn thuần được học đọc, viết và nói tiếng Việt, mà văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam… đều được các thầy cô truyền tải đến các em học sinh trong mỗi bài giảng.
Thay mặt Ban giám hiệu nhà trường, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết sẽ cùng với tập thể cán bộ, giáo viên tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm đưa trường đạt chỉ tiêu là trường điểm về chất lượng giáo dục, là ngôi trường minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị lâu bền, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam.
Nhân dịp này, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm đã trao 20 triệu kíp tặng nhà trường để hỗ trợ các hoạt động gìn giữ và phát triển tiếng Việt, với mong muốn các thầy cô giáo cùng các em học sinh sẽ là những sứ giả tiếng Việt trên “đất nước Triệu Voi” xinh đẹp./.