Thủ tướng Nhật Bản có bài phát biểu chính sách đầu tiên trước Quốc hội
Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh sẽ tái khởi động chương trình “Tái thiết địa phương 2.0” và xây dựng một kế hoạch cơ bản kéo dài 10 năm nhằm tập trung triển khai các biện pháp liên quan.
Chiều 4/10, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba đã có bài phát biểu chính sách đầu tiên sau khi nhậm chức tại phiên họp toàn thể của cả Hạ viện và Thượng viện.
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh việc phát huy tối đa tiềm năng của các địa phương, với khẩu hiệu “địa phương chính là động lực tăng trưởng," đồng thời cam kết tăng gấp đôi quỹ hỗ trợ cho các địa phương trong ngân sách cơ bản.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Ishiba nhắc lại 5 trụ cột trong chính sách cơ bản gồm bảo vệ quy tắc, bảo vệ Nhật Bản, bảo vệ người dân, bảo vệ địa phương và bảo vệ phụ nữ, trẻ em hướng tới mục tiêu xây dựng lại một đất nước Nhật Bản thịnh vượng, an toàn với sự đồng thuận và thấu hiểu từ người dân.
Từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng phụ trách tái thiết địa phương lần đầu tiên vào năm 2014, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh sẽ tái khởi động chương trình “Tái thiết địa phương 2.0” và xây dựng một kế hoạch cơ bản kéo dài 10 năm nhằm tập trung triển khai các biện pháp liên quan.
Ngoài ra, Thủ tướng Ishiba cũng khẳng định sẽ thành lập “Trụ sở kiến tạo môi trường sống và kinh tế địa phương mới," trên cơ sở phát triển từ “Sáng kiến thực hiện chính sách thành phố-nông thôn số” dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Fumio Kishida. Kế hoạch này cũng bao gồm việc tận dụng hiệu quả ứng dụng các công nghệ mới như chuỗi khối (blockchain) và thu hút khách du lịch quốc tế.
Về chính sách kinh tế, Thủ tướng Ishiba cam kết sớm xây dựng các biện pháp kinh tế, tập trung vào ba trụ cột chính là: Khắc phục tình trạng giá cả leo thang; tăng trưởng nền kinh tế quốc gia và từng địa phương; đảm bảo an toàn và sự an tâm cho người dân.
Các biện pháp này sẽ bao gồm hỗ trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp bị ảnh hưởng bởi giá cả tăng cao và cải thiện môi trường tăng lương cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia để phòng chống thiên tai.
Người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản cũng đặt mục tiêu tăng mức lương tối thiểu trung bình trên toàn quốc lên 1.500 yen/giờ (10,25 USD/giờ) trong giai đoạn 2020-2030, sớm hơn mục tiêu vào giữa giai đoạn 2030-2040 của Chính quyền tiền nhiệm. Ông nhấn mạnh rằng cần tăng năng suất lao động để người dân có thể cảm nhận được sự giàu có thực sự trong cuộc sống.
Trong lĩnh vực quốc phòng, Thủ tướng Ishiba cũng đề xuất thành lập một hội nghị giữa các bộ trưởng để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các nhân viên thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ đẩy nhanh việc xem xét đề xuất biện pháp phòng thủ mạng chủ động.
Về phòng chống thảm họa thiên tai, Thủ tướng Ishiba tiếp tục nhấn mạnh cam kết thành lập Cục Phòng chống Thiên tai, một trong những chính sách chủ chốt của ông nhằm đối phó kịp thời với các thiên tai như lũ lụt và bảo vệ tính mạng người dân.
Trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng Ishiba đề xuất sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng trong thời đại Trí tuệ Nhân tạo (AI). Chính phủ cũng sẽ tăng cường các biện pháp hỗ trợ khởi nghiệp và củng cố chức năng cốt lõi của chính sách AI.
Về vấn đề tài chính chính trị, Thủ tướng Ishiba cam kết sẽ gặp mặt từng nghị sĩ đang vướng vào vụ bê bối quỹ chính trị, yêu cầu họ tự kiểm điểm và tuân thủ các quy tắc đạo đức, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc tuân thủ Luật Kiểm soát quỹ chính trị và tính minh bạch trong công khai thông tin.
Tiếp đó, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào nguồn nhân lực, bao gồm các chương trình tái đào tạo và nâng cao kỹ năng, nhằm đảm bảo rằng mỗi cá nhân có thể học tập nhiều lần khi cần thiết. Ông cũng kêu gọi một cuộc thảo luận toàn quốc về các cải cách các quy định liên quan nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và phát huy vai trò trong xã hội.
Về lĩnh vực ngoại giao, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh sẽ bảo vệ Nhật Bản trước môi trường an ninh đang thay đổi khó lường, trong đó cam kết sẽ thúc đẩy ngoại giao dựa trên lợi ích thực tế của quốc gia, lấy liên minh Nhật-Mỹ làm trụ cột, mở rộng quan hệ với các quốc gia bạn bè và đối tác. Nhật Bản sẽ cân bằng giữa sức mạnh ngoại giao và quốc phòng để bảo vệ hòa bình cho đất nước và ổn định khu vực.
Với tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật và đảm bảo an ninh khu vực.
Thủ tướng Ishiba tái khẳng định liên minh Nhật-Mỹ sẽ tiếp tục là nền tảng của ngoại giao và an ninh của Nhật Bản, cũng như là cơ sở cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế. Do đó, trước hết, Nhật Bản sẽ tăng cường năng lực răn đe và ứng phó của liên minh này, đồng thời tăng cường hợp tác với các quốc gia đối tác.
Trong quan hệ với Hàn Quốc, Thủ tướng Ishiba khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là rất quan trọng đối với lợi ích của cả hai bên và nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm tới, hai bên sẽ hướng tới xây dựng mối quan hệ hợp tác vững chắc hơn nữa dựa trên mối quan hệ tin cậy mà cựu Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã thiết lập, cũng như tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Mỹ-Nhật-Hàn.
Về quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh sẽ thúc đẩy một mối quan hệ “hai bên cùng có lợi về mặt chiến lược” và duy trì sự trao đổi ở mọi cấp độ cũng như tiếp tục đối thoại để giải quyết các vấn đề tồn tại.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Ishiba cũng khẳng định mặc dù quan hệ Nhật-Nga đang gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn sẽ kiên trì giải quyết vấn đề lãnh thổ và ký kết hiệp ước hòa bình với Nga.
Trong hợp tác khu vực, Thủ tướng Ishiba tái khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quốc gia thuộc Nam Bán cầu, cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu như giải trừ quân bị và Biến đổi Khí hậu./.