Lo ngại Fed tiếp tục tăng lãi suất, giá dầu tại châu Á giảm nhẹ
Việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ đang gây lo ngại sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc nhanh chóng và gây sức ép lên giá dầu.
Giá dầu tại châu Á ổn định trong phiên 20/9, do lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong tuần này nhằm kiểm soát lạm phát sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc và làm giảm nhu cầu nhiêu liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Giá dầu Brent giao tháng 11/2022 giảm 7 xu Mỹ, hay 0,1%, xuống 91,93 USD/thùng vào lúc 13 giờ 59 phút (theo giờ Việt Nam).
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 10/2022 giảm 13 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 85,6 USD/thùng.
[Giá dầu trên thị trường châu Á chiều 19/9 giảm hơn 1%]
Đồng USD vẫn gần mức cao kỷ lục hai tuần so với các đồng tiền mạnh khác trong phiên này, trước khi diễn ra một loạt các cuộc họp của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới trong tuần này. Fed được cho là sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nhằm kiểm soát lạm phát.
Đồng USD lên giá khiến dầu được định giá theo đồng tiền này trở nên đắt hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác và khả năng lãi suất tăng làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Trong khi các nền kinh tế lớn khác thắt chặt chính sách tiền tệ, Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, ngày 20/9 đã giữ nguyên lãi suất, nhằm cân bằng giữa việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với việc đồng nhân dân tệ yếu.
Việc các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ đang gây lo ngại sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc nhanh chóng và gây sức ép lên giá dầu.
Trong khi đó, theo một khảo sát sơ bộ của Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ ước tính tăng khoảng 2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 16/9.
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ xuất 10 triệu thùng dầu từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược để giao vào tháng 11, kéo dài thời gian thực hiện kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng dầu nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy các nước sản xuất lớn không đạt hạn ngạch sản lượng là yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Một tài liệu nội bộ của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, OPEC+ cho thấy nhóm này không đạt mục tiêu sản lượng 3,583 triệu thùng/ngày vào tháng Tám.
Trong tháng Bảy, OPEC+ cũng bỏ lỡ mục tiêu sản lượng 2,892 triệu thùng/ngày./.