Hà Nội: Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng nhiều hơn

Đến nay, Hà Nội đã 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên; trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN-PT&NT thẩm định hồ sơ.

Người dân Thủ đô tham quan và mua sắm tại hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) ngày càng nhiều hơn, Hà Nội đã có nhiều giải pháp cũng như kế hoạch về phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn, thúc đẩy chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, lên mạng xã hội TikTok....

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, cho biết sau hơn 3 năm triển khai, OCOP đang dần trở thành thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng Thủ đô và cả nước đón nhận tích cực, mang lại lợi ích cho các chủ thể, đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững Chương trình OCOP của Hà Nội.

Đến nay, Hà Nội đã 1.649 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Trong số này, có 4 sản phẩm OCOP 5 sao và 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét, đánh giá, phân hạng.

Để sản phẩm OCOP đến được với người tiêu dùng không phải chuyện một sớm một chiều, mà cần sự cố gắng nỗ lực của doanh nghiệp, các chủ thể OCOP từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, đến mẫu mã bao bì... đáp ứng được các tiêu chí đánh giá phân hạng của Hội đồng đánh giá.

[Khai mạc Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP]

Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì Nguyễn Thanh Vân than thở đơn vị có 2 trại chăn nuôi ở huyện Ba Vì với quy mô hàng nghìn con lợn, gà mỗi năm. Năm 2019, doanh nghiệp đã đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc liên kết với doanh nghiệp bán lẻ để đưa sản phẩm vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng.

Không chỉ Công ty Cổ phần Thực phẩm sạch Ba Vì gặp khó khăn này, mà nhiều chủ thể khi tham gia chương trình cũng ở tình trạng tương tự trong quá trình tìm kiếm đối tác tiêu thụ ổn định, tạo giá trị cao cho sản phẩm. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dâu tằm tơ Mỹ Đức chuyên dệt lụa, trong đó có lụa dệt từ tơ sen. Đây là sản phẩm độc đáo, được làm thủ công rất đẹp và lạ nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Về vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thụy Lâm (huyện Đông Anh) Nguyễn Thị Cúc cho hay xã Thụy Lâm hiện có 570ha trồng lúa nếp cái hoa vàng/vụ, chiếm 98% diện tích trồng lúa của địa phương. Sản phẩm đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nhưng chưa có sự liên kết với các nhà bán lẻ nên nông dân chủ yếu bán gạo trên thị trường tự do, đầu ra không ổn định.

Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP cấp thành phố. Quan trọng nhất là Hà Nội tập trung xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Thông qua hoạt động này doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, Hà Nội rất sáng kiến và nhạy bén trong việc tiếp cận chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên mạng xã hội và đến gần hơn với người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất của Chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phấm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Đồng thời, triển khai sáng kiến "Mỗi nông dân là một thương nhân" nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

Người dân Thủ đô tham quan và mua sắm tại hội chợ. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Vì vậy, Hà Nội đã ký kết thỏa thuận với TikTok nhằm mang đến bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện cho Chương trình OCOP của thành phố. Hà Nội là địa phương tiên phong trong cả nước sử dụng kênh mạng xã hội TikTok làm kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Sự hợp tác chính thức giữa Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Hà Nội và TikTok sẽ giúp nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP của Hà Nội. Các bên sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về tạo videos ngắn trên TikTok để quảng bá sản phẩm OCOP, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business và bộ giải pháp thương mại điện tử toàn diện TikTok Shop.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho rằng sản phẩm OCOP của Hà Nội rất phù hợp để quảng bá, giới thiệu trên nền tảng TikTok. Các giải pháp sáng tạo trên nền tảng giải trí số 1 hiện nay còn có thể hỗ trợ đắc lực để đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng của Thủ đô và cả nước.

TikTok luôn nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đồng hành, hỗ trợ Hà Nội và các địa phương khác trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Ông Thanh cũng tin tưởng rằng với chuyên môn và thế mạnh về các giải pháp sáng tạo đa dạng, TikTok sẽ cùng Hà Nội xây dựng được nền tảng số vững chắc cho chương trình OCOP, bắt đầu từ việc nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho các cá nhân, tổ chức thông qua lớp tập huấn.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp KYC cho biết qua khảo sát, thống kê có 74% người dùng cho rằng TikTok giúp họ muốn tìm hiểu nhiều hơn về thương hiệu và sản phẩm hơn sau khi xem video; 67% người dùng đánh giá TikTok truyền cảm hứng cho họ mua sản phẩm, kể cả khi họ đang không tìm kiếm về sản phẩm/dịch vụ. Đặc biệt, tỷ lệ chuyển đổi cao, video ngắn mang nhiều cảm xúc giúp người xem dễ chốt đơn và nhấn vào gian hàng hơn.

Theo bà Trịnh Kim Thư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trà xạ đen MD Queens, qua lớp tập huấn giúp cho công ty có thêm những kiến thức hữu ích về vai trò, ý nghĩa của nền tảng TikTok trong quảng bá, xúc tiến thương mại. Đồng thời, có khả năng ứng dụng công nghệ và các giải pháp thương mại điện tử, tiếp thị sáng tạo vào quá trình tiêu thụ sản phẩm trà xạ đen của doanh nghiệp./.

Nam Giang (TTXVN/Vietnam+)