Liên hợp quốc và Nga thảo luận về xuất khẩu ngũ cốc, phân bón

Nga khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế.

Ngũ cốc được chất lên tàu hàng tại cảng Rostov-on-Don, Nga ngày 26/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 7/9, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc và Nga đã có cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ) để thảo luận những kiến nghị của Moskva cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga ra thị trường quốc tế.

Người phát ngôn Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, cho biết Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin đã có cuộc trao đổi “tích cực, chuyên nghiệp và mang tính xây dựng” tại Geneva.

Tuy nhiên, ông không nêu chi tiết nội dung thảo luận.

[Moskva yêu cầu phương Tây tạo điều kiện cho xuất khẩu lương thực Nga]

Ngày 22/7 vừa qua, Nga và Ukraine đã ký các thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc bảo trợ về xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng biển của Ukraine.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng thỏa thuận này cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón qua Biển Đen và tạo điều kiện cho các tàu chở hàng của Nga.

Mỹ và các quốc gia khác tuyên bố ngũ cốc và phân bón của Nga không chịu lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Tuy nhiên, Moskva khẳng định các biện pháp trừng phạt đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của nước này.

Ngày 6/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ngăn cản ngũ cốc và phân bón của Nga tự do tiếp cận thị trường thế giới.

Những kiến nghị của Nga được đưa ra trong bối cảnh các bên liên quan có thể sẽ tiến hành đàm phán gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, vốn hết hiệu lực sau 120 ngày.

Mục đích của thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen là nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà Liên hợp quốc cho rằng đã trở nên tồi tệ hơn do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, hai nước xuất khẩu lúa mỳ lớn.

Tuy nhiên, ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng gần như tất cả số ngũ cốc Ukraine được vận chuyển theo thỏa thuận này có đích đến là các quốc gia giàu có ở châu Âu, chứ không phải ở các quốc gia đang phát triển.

Dữ liệu của Trung tâm điều phối chung được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận cho thấy hơn 30% số ngũ cốc Ukraine được vận chuyển đến các nước châu Âu, 20% đến Thổ Nhĩ Kỳ và 30% đến các quốc gia thu nhập thấp và trung bình trên thế giới./.

Phan An (TTXVN/Vietnam+)