Phát triển kinh tế vùng ĐBSCL: Khơi dậy tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười
Đón đầu thời cơ mang lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, đã được phê duyệt quy hoạch ba khu công nghiệp, một cụm công nghiệp.
Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có vị trí thuận lợi kết nối giao thương tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long do nằm tại ngã tư các tuyến đường giao thông thủy bộ trọng yếu đồng bằng sông Cửu Long.
Đường bộ có tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương và Trung Lương-Mỹ Thuận, đường tỉnh 865, đường tỉnh 867 kết nối tỉnh Long An và các tỉnh trong khu vực qua đường N2, Quốc lộ 62...
Đường thủy có các tuyến kênh huyết mạch đáp ứng nhu cầu vận tải liên khu vực như kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Nguyễn Tấn Thành, kênh Trương Văn Sanh, kênh Bắc Đông.
[Điểm nhấn từ du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong đánh giá đây là lợi thế rất lớn của địa phương trong việc phát huy các tiềm năng và thế mạnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch về cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững trong một giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo ông Phong, đón đầu thời cơ mang lại từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Tân Phước đã được phê duyệt quy hoạch ba khu công nghiệp, một cụm công nghiệp; trong đó, Khu công nghiệp Long Giang có quy mô 540ha đã đi vào hoạt động.
Khu công nghiệp Tân Phước 1 với diện tích 470ha và Khu công nghiệp Tân Phước 2 với diện tích 300ha đang lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 để mời gọi đầu tư.
Ngoài ra, Tân Phước còn dành hai khu đất dự kiến phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao có diện tích 200 ha/khu. Hai khu này đang lập quy trình mời gọi đầu tư.
Địa phương định hướng phát triển tiềm năng, thế mạnh của ngành công nghiệp, đặc biệt thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn là tận dụng lợi thế gần vùng nguyên liệu cũng như có nguồn lao động dồi dào; chú trọng phát triển chiều sâu ngành công nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống áp dụng công nghệ tiên tiến; quan tâm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hóa, tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao.
Huyện cũng tập trung kêu gọi đầu tư các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp như cung cấp quy trình công nghệ mới trong trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học và máy móc nông ngư cơ...
Ngoài ra, huyện tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo tiền đề thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là các ngành sản xuất thiết bị hỗ trợ, linh kiện, phụ tùng lắp ráp, chế tạo máy móc, sản xuất bao bì, gia công đóng gói...
Mặt khác, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung phát triển những sản phẩm mới, chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tân Phước cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư, phát triển tiềm năng công nghiệp như có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; các ưu đãi khác về thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm theo quy định, miễn thuế 4 năm; giảm bớt 50% số thuế phải nộp trong 9 năm, 5 năm hoặc 4 năm tiếp theo theo quy định...
Tại Khu công nghiệp Long Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Long Giang Đường Chấn Vũ cho biết hiện đã có 48 dự án đầu tư với tổng vốn 1,6 tỷ USD đầu tư vào khu công nghiệp, lấp đầy 90% tổng diện tích; trong đó, có 42 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 25.000 công nhân lao động.
Các doanh nghiệp đầu tư làm ăn tại đây đều có tiềm lực, quy mô lớn thu hút lao động, công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.
Ông Đường Chấn Vụ chia sẻ thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... đầu tư vào Khu công nghiệp Long Giang như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sunjin Vina Mekong, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dệt TexHong Ngân Long, Công ty Trách nhiệm hữu hạn NISSEI ELECTRIC MYTHO, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dầu ăn UNI-BRAN,..đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hàng năm để tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương đi lên.
Khu công nghiệp Long Giang được coi là hình mẫu, đầu tàu thúc đẩy phát huy tiềm năng công nghiệp, thu hút đầu tư tại huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang.
Bài học xây dựng, phát triển và thu hút đầu tư tại đây tiếp tục được áp dụng để huyện triển khai thêm các khu, cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn Tân Phước theo quy hoạch.
Hiện nay, địa phương đang có 430 cơ sở công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; trong đó, 34 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 396 cơ sở tiểu thủ công.
Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào làm ăn trong các khu công nghiệp thì ngành đóng sửa tàu thuyền-sà lan, đan bàng và làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, cơ khí, sửa chữa máy móc nông ngư cơ, xay xát chế biến lương thực-thực phẩm tiêu dùng và xuất khẩu... cùng là những ngành thế mạnh đang được địa phương quan tâm phát huy.
Trong 8 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phước đạt 10.085 tỷ đồng./.