Lào Cai dồn sức phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão lũ
Lào Cai đề xuất được hỗ trợ một số chủng loại giống cây trồng như rau, ngô, khoai tây, khoai lang, lúa, dâu tằm và các giống vật nuôi, giống thủy sản… cho các địa phương có diện tích bị thiệt hại lớn.
Hàng trăm ha ruộng lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục lại để sản xuất; hơn 4.000ha lúa, ngô, hoa màu cùng gần 500.000 cây giống bị thiệt hại..., nhiều nông dân trong phút chốc đã trắng tay bởi tài sản, sinh kế bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.
Lào Cai vừa trải qua đợt thiên tai kinh hoàng để lại hậu quả nặng nề cho mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội; trong đó, ngành nông nghiệp - trụ đỡ kinh tế của tỉnh. Các địa phương và cơ quan chức năng đang nỗ lực dốc sức từng bước giúp người dân phục hồi sản xuất nông nghiệp sau lũ.
Nhiều diện tích sản xuất không thể khôi phục
Hoàn lưu bão số 3 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị ngập, lụt sâu trên diện rộng; đồng thời, xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở tại nhiều nơi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp.
Lào Cai hiện có trên 568ha ruộng lúa bị thiệt hại do lũ; trong đó, gần 60ha ruộng lúa bị sạt lở mất đất, không có khả năng khôi phục lại để sản xuất và 512ha ruộng bị sạt hoàn toàn, phải cải tạo để gieo cấy trở lại. Diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây trồng hằng năm, lâu năm, cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu, thủy sản... bị thiệt hại lên tới trên 6.551ha.
Ngoài ra còn trên 3.000 tấn cá thương phẩm và trên 123.000 con cá giống tại thị xã Sa Pa bị chết do lũ cuốn trôi vỡ ao, bể; gần 60.000 con gia súc, gia cầm bị chết; trên 1.000 chuồng trại chăn nuôi bị hư hỏng.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh Lào Cai, sau khi mưa lũ rút, các địa phương chịu thiệt hại nhẹ bắt tay vào dọn dẹp, khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, tại các huyện vùng thấp như Bảo Thắng, Văn Bàn - nơi có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh, đang gặp nhiều khó khăn vì cây trồng bị ngập úng lâu ngày có nguy cơ thối hỏng.
Gia đình ông Bùi Đức Mạnh, ở thôn Quyết Tâm, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng có gần 500 gốc na đã cho thu hoạch. Mỗi năm, với diện tích na này cho gia đình ông thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 3 vừa qua, toàn bộ diện tích na của gia đình đã bị chết hết do ngập úng nước lâu ngày.
“Đợt mưa lũ này lớn quá, bùn đất ngập gần đến ngọn nên cây không thể sống được. Gia đình phải san gạt lại hết bùn đất và chặt bỏ để tính trồng cây mới vậy thôi,” ông Mạnh chia sẻ.
Cánh đồng lúa xã Quang Kim - niềm tự hào của nông dân Quang Kim cho những vụ Đông bội thu, những vụ mùa trĩu hạt - sau khi lũ rút là mênh mông bùn đất. Mặc dù không có thiệt hại về người, nhưng mưa lũ làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của bà con với trên 170ha lúa và hoa màu, 20ha nuôi thuỷ sản với hàng chục tấn cá của bà con nông dân bị lũ cuốn trôi gây thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.
Toàn bộ 0,2ha diện tích ao với hàng tấn cá trắm, cá rô chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình ông Vàng Văn Tám, dân tộc Giáy đã bị lũ cuốn trôi.
"Bây giờ ao cá bùn đất bồi vào hàng mét, có muốn nuôi thả lại cũng mất rất nhiều công sức, thời gian để nạo vét, tẩy trùng ao nuôi thì mới có thể thả cá lại. Trước đây, khu vực này cũng có lũ nhưng ao cá nhà tôi ít bị ảnh hưởng, lần này mưa lũ lớn quá lại xảy ra vào chiều tối nên không thể trở tay kịp,” ông Tám chia sẻ.
Sau bão số 3, mưa to trên diện rộng khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình ông Trần Văn Lưu, dân tộc Tày ở xã Khánh Yên Hạ, huyện Văn Bàn bị ngập trong bùn. Thời điểm lũ đến, lúa mới chín được khoảng nửa bông. Ông Lưu cho biết, gia đình phải tranh thủ thu hoạch dù lúa còn non, nếu không chỉ qua mấy ngày lúa sẽ mọc mầm ngay trên cánh đồng.”
Dồn lực phục hồi sản xuất
Sau lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc khẩn trương xuống địa phương hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương tiêu thoát lũ, nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục tạm thời về thủy lợi, nước sạch để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Nhằm giúp người dân sớm khôi phục sản xuất sau mưa lũ, ngay sau khi nước rút, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp đã thành lập các tổ công tác đến các địa phương, trong đó trọng tâm là các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa các cây trồng chủ lực (lúa, chuối, chè, dâu tằm, rau…) để hướng dẫn người dân tiêu úng, vệ sinh đồng ruộng, khôi phục những diện tích có thể khôi phục; hướng dẫn người dân làm đất đối với những diện tích không còn khả năng khôi phục để sớm triển khai sản xuất vụ Đông.
Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với một số đơn vị cung ứng giống, phân bón trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ 400 kg ngô giống (tương đương trồng 20ha ngô) cho 400 hộ dân tại 2 xã Quang Kim (Bát Xát) và Bảo Hà (Bảo Yên) khôi phục sản xuất sau mưa lũ.
Xã Quang Kim là địa phương có diện tích chăn nuôi cá lớn của huyện Bát Xát; mỗi năm có hàng trăm tấn cá sạch cung cấp cho thị trường của huyện, thành phố Lào Cai.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Quang Kim Ngô Hoàng Sơn cho biết địa phương đang tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh, tẩy trùng ao cá để sớm nuôi cá trở lại.
"Đối với các hộ bị thiệt hại lớn chúng tôi cũng đang rà soát, tính toán xem có nguồn nào để hỗ trợ bà con,” ông Sơn cho biết thêm.
Cùng với việc khắc phục hậu quả mưa lũ thì huyện Bảo Thắng cũng đang chỉ đạo các xã tập trung khôi phục lại sản xuất. Chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra và hỗ trợ người dân các thôn phục hồi, trồng mới lại các vùng rau màu, bảo đảm nguồn cung ra thị trường huyện và thành phố Lào Cai.
Trước mắt, huyện Bảo Thắng đã quyết định hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để người dân mua giống rau, vật tư phục vụ sản xuất; trong đó, đợt đầu huyện đã trao 110 triệu đồng cho 2 xã Gia Phú và Thái Niên.
Đây là nguồn kinh phí từ "Quỹ xây dựng nông thôn mới" và huy động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất rau an toàn tại vùng rau trọng điểm.
Vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai có Tờ trình đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ các loại giống cây trồng để tỉnh kịp thời hỗ trợ nông dân triển khai vụ đông, khôi phục sản xuất sau bão, lũ.
Theo đó, tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ 120 tấn lúa: giống lúa đài thơm 8 (50 tấn), thiên ưu 8 (50 tấn), VNR20 (20 tấn)); hỗ trợ 40 tấn giống ngô: giống LVN10 (10 tấn), B21 (10 tấn), HN68 (10 tấn), HN88 (10 tấn); hỗ trợ 250 kg giống rau bắp cải Nhật Bản.
Ngoài ra, qua đánh giá nhu cầu và hiện trạng thực tế tại các địa phương, ngành nông nghiệp Lào Cai đang đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho tỉnh xây dựng một số mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm khôi phục sản xuất; hỗ trợ các lớp tập huấn về biện pháp khắc phục thiên tai, khôi phục sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi cho người dân; xem xét hỗ trợ một số chủng loại giống cây trồng như rau, ngô, khoai tây, khoai lang, lúa, dâu tằm và các giống vật nuôi, giống thủy sản… cho các địa phương có diện tích bị thiệt hại lớn./.