Hồ tiêu trở lại khẳng định vị thế xuất khẩu
Sau những biến động của giá tiêu trong thời gian qua, giá hồ tiêu trong nước lẫn thị trường thế giới đã có chuyển biến tăng dần. Đây là tín hiệu vui của toàn ngành hồ tiêu Việt Nam.
Sau nhiều năm ngành hồ tiêu chạm đáy của kỳ phát triển, hiện nay sản phẩm được ví như “vàng đen” của ngành nông nghiệp cũng đã trở lại khẳng định vị thế giá trị trong ngành hàng xuất khẩu giá trị cao của Việt Nam. Nông dân khu vực phía Nam đã đầu tư trở lại vườn hồ tiêu sau một thời gian bỏ bê vì giá xuống thấp.
Tái thiết vườn tiêu sau nhiều năm cầm chừng
Sau những biến động của giá tiêu trong thời gian qua, giá hồ tiêu trong nước lẫn thị trường thế giới đã có chuyển biến tăng dần. Đây là tín hiệu vui của toàn ngành hồ tiêu Việt Nam.
Theo thông tin thị trường từ các địa phương sản xuất hồ tiêu, giá hồ tiêu trong 2 ngày gần đây đã có sự tăng nhẹ, tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, giá hồ tiêu hiện dao động từ 148.000 - 151.000 đồng/kg, tăng từ 500-2.000 đồng/kg so với những ngày trước đó.
Còn tại các phiên giao dịch hồ tiêu của thị trường thế giới, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 7.589 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ở mức 7.000 USD/tấn; giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA mức 8.800 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok 9.154 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ở mức 10.900 USD/tấn. Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở mức 6.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 7.100 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 10.150 USD/tấn.
Những biến động này giúp cho người trồng hồ tiêu khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên thực sự phấn khởi, vực dậy tinh thần sản xuất củabà con nông dân.Theo ghi nhận tại các hộ dân trồng tiêu ở huyện biên giới Bù Đốp, Bình Phước, niên vụ hồ tiêu năm 2023 giá trung bình chỉ dao động ở mức từ 65.000 - 67.000 đồng/kg.
Thế nhưng hiện nay, giá hồ tiêu đã lập kỷ lục mới trong vòng 9 năm qua. Bà Huỳnh Thị Kim Phượng, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, Bình Phước chia sẻ, gia đình bà sản xuất 2 ha hồ tiêu, những niên vụ trước chỉ thu hoạch được 2 tấn.
Đến niên vụ 2024, trước thông tin hồ tiêu tăng giá, bà Huỳnh Thị Kim Phượng dốc sức chăm sóc lại vườn hồ tiêu nên sản lượng thu được là 4 tấn. Không những vậy, vườn tiêu được chăm sóc theo quy trình hữu cơ nên đã được Công ty Nedspice Việt Nam thu mua cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/kg. Với tín hiệu vui này, bà Phượng có nguồn thu để tái thiết cho vườn tiêu sau nhiều năm cầm chừng.
Còn ông Võ Ngọc Quế, nông dân có 4 ha hồ tiêu tại xã Hưng Phước, Bù Đốp chia sẻ, năm nay giá hồ tiêu lên cao, nên người trồng tiêu rất mừng. Trong suốt thời gian trầm lắng của ngành hồ tiêu, nhưng ông Võ Ngọc Quế và nhiều hộ dân vẫn “chung thủy” với hồ tiêu, đến nay niềm vui đã trở lại với những người kiên trì.
Vui trong thận trọng
Mặc dù hồ tiêu lập đỉnh trở lại, mang lại niềm vui cho người trồng tiêu và toàn hệ thống kinh doanh hồ tiêu, nhưng những bài học đắt giá của 10 năm "trầm lắng" vẫn còn đó, khiến cho niềm vui lan toả nhưng cũng chất chứa nhiều thận trọng.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu có thể vượt lên mức trên 160.000 đồng/kg. Một trong những nguyên chính thúc đẩy giá tiêu tăng trong thời gian qua là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới.
Ngay cả Indonesia, Ấn Độ cũng bị hạn chế nguồn cung và các nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka và đặc biệt là hai nước quyết định nguồn cung trên toàn cầu là Brazil và Việt Nam đều bị giảm sản lượng do ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết El Nino gây hạn hán. Nhìn về dài hạn trong 3 - 5 năm tới, lượng hồ tiêu sản xuất ra chưa thể đáp ứng được cho nhu cầu tiêu dùng của thế giới.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia ngành hồ tiêu, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai, giá tiêu tăng nhanh gần đây do tác động của yếu tố đầu cơ. Bởi lẽ, hiện giá thế giới đang tăng, giá nội địa thấp hơn thế giới nên nhiều đại lý nhỏ lẻ đang găm giữ hàng và đẩy giá lên.
Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường tăng cao đẩy giá hồ tiêu tăng trở lại. Thêm vào đó, có ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc quay lại mua hàng cũng tác động mạnh lên giá tiêu.
Tuy nhiên, việc đầu cơ nguồn hàng hồ tiêu cũng được đánh giá có mặt tích cực. Bà Hoàng Thị Liên nhìn nhận, nhiều nông dân đủ lực tài chính, thay vì gửi tiền vào ngân hàng lãi suất rất thấp đã thu mua vài tấn hồ tiêu để tích trữ như doanh nghiệp. Trước đây người dân không thu mua hồ tiêu, nhưng nay họ nắm vững thông tin thị trường nên mua tích trữ.
Hiện nay, tâm lý chung của người trồng hồ tiêu là thấy giá cao rất mừng và vẫn muốn giá tăng thêm, đây cũng là sự hưởng lợi xứng đáng cho bà con khi có thời điểm hồ tiêu rơi vào chu kỳ giá thấp.
Trong bối cảnh giá tiêu tăng nóng, doanh nghiệp khó chủ động nguồn hàng, đồng thời phải đối mặt với khó khăn kép do xung đột chính trị, cước vận tải tăng cao, rủi ro thương mại… Do đó, việc hài hòa chia sẻ lợi ích lúc này là hết sức quan trọng, để tất cả các bên cùng thắng.
Bà Hoàng Thị Liên cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần điều chỉnh sao cho mức giá nhập vào và bán ra có mức tăng tương đồng để tránh rủi ro về giá. Nếu giá tiêu trong nước tăng, các doanh nghiệp cần phải tăng giá xuất khẩu tương ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể mua dần, tránh dồn dập, nếu không sẽ tác động về giá khi có đơn hàng lớn, tạo thêm sự khan hiếm hàng./.