'Lắng nghe Bụt bước giữa đời' thông qua thơ phú của hai vị vua nhà Trần
Thơ phú của hai vị quân vương-thiền sư nhà Trần cho thấy tinh thần: Không trốn đời, không chối bỏ thế gian, mà sống trọn vẹn trong đó với tâm tĩnh lặng.
Thơ thiền của các vị quân vương-thiền sư thời Trần là sự hòa quyện giữa đạo lý và hình ảnh đời thường. Không rút vào u tịch, mà hiện hữu giữa trần ai. Không lánh đời, mà tu ngay trong chợ đời, trong chốn cung đình, giữa việc dân, việc nước.
Đó là nhận định của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu về tác phẩm của các vua Trần trong buổi tọa đàm, giao lưu “Lắng nghe Bụt bước giữa đời: Thơ Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông” diễn ra ngày 20/4 tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo độc giả yêu thơ và yêu văn hóa-lịch sử dân tộc.
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã đọc và bình thơ của hai vị vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông để giúp độc giả hiểu vì sao thiền phái Trúc Lâm lại trở thành dòng thiền dân tộc đặc sắc, khác biệt với các dòng Thiền Trung Hoa đương thời.

“Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là một dòng thiền, mà là linh hồn văn hóa Việt: Vừa thanh cao, vừa thiết thực, vừa giải thoát, vừa gắn bó với nhân sinh,” ông Nhật Chiêu nói.
Theo đó, trong tác phẩm “Khóa hư lục,” vua Trần Thái Tông không chỉ viết luận, mà còn dùng kệ thơ để giãi bày trực ngộ. Một trong những bài nổi tiếng là:
"Thị phi, được mất, nước trôi/ Thịnh suy, danh lợi, mây trôi cuối trời/ Tỉnh mộng xuân muộn ngậm ngùi/ Một phen tĩnh lặng, rạng ngời chân tâm."
Ngôn từ giản dị, nhưng tầng nghĩa sâu xa: Đời là giấc mộng, danh lợi là cơn mưa, tỉnh thức mới là thực tại.
Còn Trần Nhân Tông, trong kiệt tác “Cư trần lạc đạo phú,” đã làm nên một bước chuyển sâu sắc cho Phật giáo Việt. Ông viết:
"Ở đời vui đạo hãy tùy duyên/ Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền/ Trong nhà sẵn báu thôi tìm kiếm/ Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền."
“Bốn câu thơ ấy không chỉ hàm súc về thiền mà còn phản ánh lối sống, đạo lý mà Thiền Trúc Lâm muốn truyền bá: Không trốn đời, không chối bỏ thế gian, mà sống trọn vẹn trong đó với tâm tĩnh lặng. Thiền là sống thật với chính mình, với từng phút hiện tại,” nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho biết: “800 năm đã qua đi nhưng những giá trị mà hai tác phẩm để lại vẫn còn nguyên giá trị, đó là sự thực hành giữa đạo và đời. Chúng tôi muốn lan tỏa những giá trị này để công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm về văn hóa dân tộc và có sự thực hành trong hôm nay, khi mà con người đang phải đối diện với những căng thẳng và xung đột.”
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Tiến Vinh, Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, Phật giáo đời Trần đã đi vào đời sống đậm đà, nổi bật hơn so với những thời kỳ trước đó. Tinh thần nhập thế thời bấy giờ vô cùng mãnh liệt, đặc biệt là ba vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông đã đưa Phật giáo vào đời với một tâm thức mới mẻ, vừa là minh vương vì quốc gia dân tộc, vừa thể hiện chiều sâu bản thân, tạo nên một hào khí Đông A./.