Văn học nghệ thuật thời kỳ mới: Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, văn học nghệ thuật đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Trong những năm tháng chiến tranh, văn nghệ sỹ cũng là chiến sỹ, họ đã “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.”

Khi hòa bình lập lại, văn học nghệ thuật vẫn luôn đồng hành cùng đời sống xã hội, bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam.

Tròn nửa thế kỷ sau khi đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi sự chuyển biến, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu của công chúng và thời đại.

Văn học nghệ thuật đứng trước thách thức đa chiều

Ở góc độ nghiên cứu, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đoàn Thị Mỹ Hương, Ban Nghiên cứu nghệ thuật, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) cho rằng từ sau năm 1975 xã hội Việt Nam đã có những thay đổi sâu sắc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Chặng đường 50 năm qua có thể chia thành 3 giai đoạn lớn: 1975-1985; 1986-1999; và 2000-2025.

Theo bà Hương, giai đoạn 1975-1985 được coi là thời kỳ hậu chiến và tái thiết. Các sáng tác chủ yếu tập trung vào ngợi ca kháng chiến, cách mạng và có sự kiểm duyệt khá chặt chẽ về mặt nội dung và hình thức biểu đạt.

Các nghệ sỹ biểu diễn ngay trên đường hành quân. (Ảnh tư liệu)

Giai đoạn 1986-1999 là giai đoạn đổi mới, bắt đầu chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam từ Nghị quyết Đại hội IV của Đảng năm 1986. Các văn nghệ sỹ đã tìm kiếm những cách tiếp cận mới, thể hiện nhiều tuyên ngôn cá nhân và khám phá các thể loại và phong cách nghệ thuật đa dạng, dẫn đến sự phong phú trong nghệ thuật đương thời.

Giai đoạn 2000-2025 là giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Vai trò của công nghệ trong phát triển nghệ thuật nói chung đang dần trở thành một hướng đi mới cho nghệ thuật Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số cho phép nghệ sỹ sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật đa phương tiện. Các nền tảng truyền thông xã hội và website cá nhân giúp nghệ sĩ quảng bá tác phẩm và tiếp cận khán giả một cách dễ dàng hơn.

Khái niệm nghệ thuật số (digital art) và NFT (Non-Fungible Token) đang trở thành xu hướng, mang đến cho nghệ sỹ cơ hội mới trong việc tạo ra và bán tác phẩm, đồng thời mở rộng thị trường nghệ thuật ra toàn cầu.

Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định nền văn học nghệ thuật nước nhà đã kế thừa xứng đáng truyền thống của một nền văn học nghệ thuật "yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc"; đồng thời, cùng sự tiếp sức mạnh mẽ từ tư tưởng đổi mới, văn học nghệ thuật đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.

Văn học nghệ thuật đã nỗ lực vươn lên, phát triển toàn diện, phản ánh và góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Duy Bắc thẳng thắn nhìn nhận văn học nghệ thuật đương đại vẫn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, tương xứng với tầm vóc công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo và chiều sâu văn hóa-lịch sử của dân tộc. Một bộ phận sáng tác còn xa rời hiện thực, chạy theo thị hiếu dễ dãi, thiên về thương mại, giải trí, thiếu bản lĩnh chính trị-tư tưởng.

“Bên cạnh đó, đội ngũ văn nghệ sỹ hiện nay đang tồn tại khoảng cách thế hệ rõ rệt. Lớp nghệ sỹ có sáng tác từ trước với vốn sống phong phú và chiều sâu tư tưởng đang dần lui vào hậu trường do tuổi tác, sức khỏe. Trong khi đó, lực lượng trẻ tuy năng động, sáng tạo, tiếp cận nhanh với cái mới nhưng lại thiếu chiều sâu trải nghiệm và định hướng giá trị vững chắc,” ông Bắc thẳng thắn.

Ông Bắc cho rằng trong làn sóng toàn cầu hóa và bùng nổ công nghệ, văn học nghệ thuật Việt Nam đang đứng trước những tác động đa chiều, vừa là cơ hội mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, hội nhập văn hóa quốc tế, vừa là thách thức lớn trong việc giữ gìn bản sắc.

“Vấn đề đặt ra là phải biết tích cực khai thác giá trị văn hóa các dân tộc, văn hóa các vùng miền trong sáng tác; đồng thời chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn học nghệ thuật thế giới, góp phần tạo nên những giá trị mới, vừa mang tầm quốc tế, vừa thấm đẫm hồn cốt dân tộc,” Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bày tỏ.

Văn học nghệ thuật cổ vũ tinh thần con người trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương kiêm Trưởng ban Lý luận phê bình văn học nghệ thuật cho hay, ở giai đoạn sau năm 1975, văn học, nghệ thuật chịu tác động đa chiều của bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội.

Sự hòa hợp, chia sẻ giữa văn nghệ cách mạng và văn nghệ tiến bộ, có tinh thần dân tộc, dân chủ; sự pha trộn giữa thời bình và thời chiến; giữa cơ chế kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp và cơ chế kinh tế thị trường; giữa cái cũ, cái quen thuộc và cái mới, cái khác... khiến những người sáng tạo văn học, nghệ thuật khó tránh khỏi những ngỡ ngàng, lúng túng và cả sự háo hức trước những điều mới lạ, phong phú, kể cả mặt phức tạp của đời sống xã hội.

Cùng quan điểm đó, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho hay thời đại mới có những cơ hội lớn và cả những thách thức không nhỏ bởi cách nghĩ, cách làm và cách thụ hưởng nghệ thuật của công chúng đã có nhiều thay đổi.

“Mạng xã hội đang mang đến một 'mâm cỗ' thừa mứa những món ăn buộc công chúng phải lựa chọn đến mệt nhoài mà không biết thứ nào tốt. AI xuất hiện cũng là thách thức với văn nghệ sỹ. Dẫu AI không thể thay thế trái tim, tâm hồn con người nhưng số lượng những tác phẩm lạnh lùng do AI sáng tác ra cũng tạo áp lực cho người sáng tạo,” ông Chức nói.

Sợi dây bền chặt cố kết lòng người

Chiều 18/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển.”

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các đại biểu đã đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng (thành tựu và hạn chế) của văn học, nghệ thuật 50 năm qua và góp ý cho việc hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển văn học, nghệ thuật phù hợp với đặc thù sáng tạo và yêu cầu của thời đại.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định văn học nghệ thuật nửa thế kỷ qua đã bền bỉ hun đúc, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam, là sợi dây bền chặt cố kết lòng người, hàn gắn những vết thương...

Về phương hướng phát triển, ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu đội ngũ văn nghệ sỹ bám sát hơn nữa, đắm mình vào thực tiễn sinh động của đất nước, phát huy trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, khám phá và sáng tạo, không ngừng mở rộng phạm vi, chiều sâu chiếm lĩnh hiện thực; lý giải và cắt nghĩa sâu sắc những vấn đề mới, quan trọng, phấn đấu sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mới mẻ về hình thức.

Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật và những ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ toàn quốc, ngày 30/12/2024. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò rất quan trọng của văn học, nghệ thuật, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, có những quyết sách phù hợp, tạo động lực cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tạo và cống hiến.

Chia sẻ về giải pháp, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội đề xuất tăng cường đầu tư và đổi mới cơ chế tài trợ cho văn học nghệ thuật, tăng cường đầu tư từ Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả và bảo vệ bản quyền, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn với sáng tạo.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng cần thúc đẩy công nghiệp văn hóa và ứng dụng công nghệ số trong văn học nghệ thuật.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để văn nghệ sỹ có điều kiện tìm tòi, thể nghiệm và sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật trong kỷ nguyên mới, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đề xuất Đảng, Nhà nước, Chính phủ có những chỉ đạo để chủ trương, chính sách đi vào thực tiễn, phù hợp với thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, ông Quân cho rằng cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất, nhân tài và cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tốt ưu, tránh được lãng phí.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo. Tài năng và năng khiếu của văn nghệ sỹ cần được phát hiện sớm, được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản và chu đáo./.