Làm thế nào để người bán hàng online nộp thuế thuận tiện nhất?

Việc ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình minh bạch, hiệu quả và thuận tiện cho người nộp thuế sẽ là "chìa khóa" giúp hoàn thiện “bài toán” quản lý thuế trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thuế, năm 2024 - hoạt động quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử ghi nhận những kết quả tích cực, tổng thu đạt khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2023.

Tuy nhiên, bài toán quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng vẫn còn không ít thách thức, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn từ cơ quan quản lý.

“Chìa khóa” - Số hóa triệt để

Báo cáo của Cơ quan Thuế cho biết ngành ghi nhận có 439 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin đến cơ quan thuế với gần 725 nghìn tổ chức, cá nhân kinh doanh, tổng giá trị giao dịch hơn 75 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, số thu từ các nhà cung cấp nước ngoài (nhà cung cấp nước ngoài) qua Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) dành riêng đạt 8.687 tỷ đồng, vượt xa dự toán.

Bên cạnh đó, tổng số các tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát, đôn đốc, hỗ trợ 120.333 doanh nghiệp, cá nhân với số thuế đã kê khai, nộp thuế là 51.563 tỷ đồng. Trong đó, ngành đã xử lý vi phạm là 30.668 trường hợp với số thuế xử lý truy thu và phạt lên tới gần 1.360 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế chia sẻ câu chuyện hai vợ chồng livestream bán hàng thu về trăm tỷ đồng và việc người nộp thuế mong mỏi thủ tục hoàn thuế được cải cách mạnh mẽ, số hóa triệt để hơn, đã phác họa phần nào “bức tranh” đa chiều về quản lý thuế trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ hiện nay.

Cụ thể, bà Cúc cho biết một trường hợp là hai vợ chồng livestream một buổi bán hàng được 100 tỷ đồng, nhưng doanh thu thực sự là 86 tỷ đồng và họ cho biết rất mong muốn được đăng ký thuế để hưởng mức nộp 7% trên hoa hồng. Nhưng do họ không có đăng ký thuế, do đó sẽ phải nộp tiền phạt từ 5 đến 35% doanh thu. Trong khi, các trường hợp người bán trực tiếp chỉ nộp thuế là 1,5% doanh thu.

Do đó, bà Cúc nhấn mạnh doanh nghiệp, các cá nhân bán hàng online rất muốn nộp thuế, nhưng phương thức nộp lại khó, bởi không có đăng ký kinh doanh do bán hàng trên mạng. Và, bà Cúc cho biết Tổng cục Thuế đã chính thức kích hoạt Cổng thông tin điện tử dành cho hộ cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai và nộp thuế từ thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số (ngày 19/12/2024), theo đó tất cả những người bán hàng trên nền tảng số sẽ có cơ hội nộp thuế ở mức 1,5%. Điều này chắc chắn sẽ khuyến khích người bán hàng online tự giác nộp thuế.

“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam, người bán hàng online có thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách thuận lợi nhất, thuận tiện nhất,” và bà Cúc cho chỉ ra một số bất cập về thủ tục quyết toán thuế thu nhập cá nhân, sự khác biệt giữa quy định và thực tế triển khai. Trên cơ sở đó, bà Cúc đề xuất một hệ thống quyết toán, hoàn thuế tự động, minh bạch.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý thuế

Phân tích thực trạng quản lý thuế thương mại điện tử trước khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực, ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn cho biết cơ chế trước đây đã bộc lộ những điểm yếu, đặc biệt là trong việc bao quát nguồn thu từ các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người dùng cá nhân tại Việt Nam.

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số với quy mô dự kiến đạt 43 tỷ đồng USD vào năm 2025, càng làm nổi bật những thách thức trong quản lý thuế. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bên liên quan còn khó khăn do chưa có định dạng thống nhất, cách thức khai thác còn thủ công. Một số nhà cung cấp nước ngoài chưa hợp tác cung cấp thông tin do lo ngại vấn đề bảo mật. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam gặp nhiều trở ngại.

Nhận thức rõ những khó khăn, vướng mắc, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở cho việc quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài.

Về công nghệ, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã chính thức vận hành từ 21/03/2022, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế trực tuyến. Đồng thời, ngành Thuế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc thu thập, phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm nhận diện các mô hình kinh doanh thương mại điện tử và triển khai các biện pháp quản lý phù hợp.

Trong nghiệp vụ, ông Thắng cho hay Cơ quan Thuế đã áp dụng đồng bộ các nghiệp vụ quản lý, yêu cầu nhà cung cấp nước ngoài cung cấp thông tin, giám sát, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ thuế. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hỗ trợ cũng được chú trọng, thông qua các kênh truyền thông, báo chí, đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp…

Nhìn về năm 2025 và những năm tiếp theo, ông Thắng chia sẻ Tổng cục Thuế đặt ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thuế thương mại điện tử. Bên cạnh đó, ngành Thuế sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, hệ thống hóa kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đổi mới phương thức quản lý theo tinh thần chuyển đổi số.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu Big data, ứng dụng công nghệ nhận diện thanh toán xuyên biên giới, phối hợp với các đơn vị liên quan để đối soát dữ liệu sẽ được đẩy mạnh. Cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trọng điểm đối với nhà cung cấp nước ngoài và các tổ chức khấu trừ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ.

Một điểm nhấn quan trọng trong định hướng tương lai là việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý. Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, chia sẻ qua cơ sở dữ liệu lớn, ngành Thuế mới đưa các ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong cái công tác quản lý để đánh giá trước hết “sức khỏe” của doanh nghiệp.”

Ông Sơn cũng nhấn mạnh đến việc tái thiết kế quy trình nghiệp vụ, tinh giản bộ máy, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, ngành Thuế sẽ hướng tới mục tiêu hoàn thuế tự động, quyết toán tự động. Thậm chí, ông còn đặt ra một tầm nhìn xa hơn về dài hạn, Cơ quan Thuế sẽ không có cần phải thành lập đoàn thanh tra kiểm tra nữa mà sẽ thực hiện tự động bằng hệ thống.

Những định hướng này thể hiện quyết tâm của ngành Thuế trong việc ứng dụng công nghệ, số hóa quy trình, hướng tới một hệ thống quản lý thuế hiện đại, minh bạch, hiệu quả và thuận tiện cho người nộp thuế. Con đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng với sự nỗ lực không ngừng này cho thấy ngành Thuế đang từng bước hoàn thiện “bài toán” quản lý thuế trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ./.