Nga, châu Âu “đau đầu” tìm giải pháp thay thế đường ống dẫn khí đốt qua Ukraine

Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận có thời hạn 5 năm trong việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu và thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Nga ngày 23/12 cho biết tình hình liên quan đến các quốc gia châu Âu mua khí đốt của Nga thông qua thỏa thuận trung chuyển qua Ukraine đang rất phức tạp và cần được quan tâm hơn.

Phát biểu này được đưa ra một ngày sau cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Slovakia Robert Fico.

Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận có thời hạn 5 năm trong việc vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Thỏa thuận này sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Dòng chảy khí đốt này chiếm khoảng một nửa tổng lượng khí đốt xuất khẩu bằng đường ống của Nga sang châu Âu. Slovakia, Italy, Áo và Cộng hòa Séc được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu thỏa thuận này chấm dứt.

Ngoài đường ống này, Tập đoàn Gazprom do Chính phủ Nga kiểm soát còn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống TurkStream dưới đáy Biển Đen.

Thủ tướng Fico cho biết ông Putin đã khẳng định Nga sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho Slovakia, mặc dù việc này "gần như không thể" sau khi thỏa thuận trung chuyển với Ukraine hết hiệu lực. Hiện vẫn chưa rõ hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về giải pháp tiềm năng nào.

Slovakia khẳng định việc mất nguồn cung từ phía Đông sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ trong nước, và nước này đã đa dạng hóa các hợp đồng cung cấp.

Tuy nhiên, điều này sẽ làm tăng các chi phí và Slovakia muốn duy trì tuyến đường qua Ukraine để giữ công suất trung chuyển của mình.

Công ty mua khí đốt chính của Slovakia, SPP, đang có các hợp đồng mua khí đốt từ các nguồn không phải của Nga với các công ty BP, ExxonMobil, Shell, Eni và RWE.

Hungary cũng rất muốn duy trì tuyến đường qua Ukraine, mặc dù nước này sẽ tiếp tục nhận khí đốt của Nga từ phía Nam thông qua đường ống TurkStream./.