Lạm phát của nước Anh tăng cao nhất trong nhóm các nước G7

Giá tiêu dùng tại Anh đã tăng 3,5% trong tháng 11/2024, cao hơn nhiều so với tỷ lệ ở bất kỳ quốc gia giàu có khác trong G7, và gần gấp ba lần tỷ lệ lạm phát tại Pháp.

Các số liệu mới công bố cho thấy Anh đang phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong bối cảnh những lo ngại về lạm phát tiếp tục gia tăng.

Theo phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giá tiêu dùng tại Anh đã tăng 3,5% trong tháng 11/2024, cao hơn nhiều so với tỷ lệ ở bất kỳ quốc gia giàu có khác trong G7, và gần gấp ba lần tỷ lệ lạm phát tại Pháp.

Tỷ lệ lạm phát trong cùng tháng là 2,9% ở Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao thứ hai trong các nước G7. Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Pháp chỉ tăng 1,3%.

Phân tích của OECD sử dụng dữ liệu bao gồm cả chi phí nhà ở của chủ sở hữu nhà, một thước đo được gọi là CPIH.

Thước đo này khác với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), vốn thường được trích dẫn ở Anh và là chỉ số mà Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có nhiệm vụ đưa về mức mục tiêu 2%.

Theo phân tích của OECD, Anh đã có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nhóm G7 kể từ tháng 6/2024. Tình trạng này xảy ra trong bối cảnh nước Anh đang phải vật lộn với lãi suất vẫn ở mức cao và chi phí năng lượng bắt đầu tăng một lần nữa.

Đáng lo ngại hơn, lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng tốc trong những tháng tới. Các công ty tại Anh đã cảnh báo rằng họ sẽ buộc phải tăng giá, sau khi Bộ Tài chính nước này công bố tăng thuế doanh nghiệp thêm 25 tỷ bảng Anh.

Những phát hiện của OECD được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves phải đối mặt với sự gia tăng chi phí đi vay của chính phủ, do lo ngại về tăng trưởng trì trệ và lạm phát cao.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đã tăng mạnh trong những ngày gần đây, và chi phí đi vay dài hạn trong tuần này đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1998. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008.

Đồng bảng Anh cũng giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1993. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào khả năng kiểm soát nợ quốc gia và lạm phát của chính phủ./.