Các quốc gia EU nhập khẩu lượng khí đốt kỷ lục từ Nga trong năm 2024

Dữ liệu của Rystad Energy cho thấy các tàu vận chuyển LNG đã chở 17,8 triệu tấn khí từ Nga cập cảng châu Âu trong năm 2024, tăng 2 triệu tấn so với năm 2023.

Tờ The Guardian hôm 9/1 trích dẫn dữ liệu từ Công ty phân tích năng lượng Rystad Energy cho thấy các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã mua khối lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Nga trong năm 2024, bất chấp cam kết ngừng tiêu thụ nhiên liệu từ quốc gia bị trừng phạt này vào năm 2027.

Mặc dù lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống từ Nga đã giảm đáng kể do xung đột Ukraine và vụ phá hoại đường ống Nord Stream vào tháng 9/2022, EU vẫn tiếp tục mua LNG của Nga với khối lượng kỷ lục. Loại nhiên liệu này mới chỉ bị nhắm đến một phần trong đợt trừng phạt mới nhất của khối này.

Dữ liệu của Rystad Energy cho thấy các tàu vận chuyển LNG đã chở 17,8 triệu tấn khí từ Nga cập cảng châu Âu trong năm 2024, tăng 2 triệu tấn so với năm 2023.

Theo ông Jan-Eric Fahnrich, nhà phân tích khí đốt tại Rystad Energy, Nga đã vượt qua Qatar để trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU trong năm 2024 và chỉ xếp sau Mỹ.

Ông Vaibhav Raghunandan, nhà phân tích về thị trường Nga tại Crea, nói rằng lý do cho sự gia tăng nêu trên khá đơn giản.

LNG của Nga được chào bán với mức giá hợp lý hơn so với các nhà cung cấp khác. Do không có lệnh trừng phạt nào đối với mặt hàng này, các công ty đang hoạt động vì lợi ích riêng của họ và mua ngày càng nhiều khí đốt từ nhà cung cấp rẻ nhất.

Ước tính mới nhất vượt quá các tính toán gần đây của hãng tin Bloomberg. Hồi đầu tuần, Bloomberg cho biết các lô hàng LNG từ Nga đến EU trong năm 2024 đã tăng vọt lên 15,5 triệu tấn, so với mức khoảng 10,5 triệu tấn LNG năm 2020.

Rystad Energy công bố các số liệu trên ngay sau khi Ukraine ngừng vận chuyển khí đốt từ đường ống của Nga qua lãnh thổ của Ukraine đến EU.

Cụ thể, Kiev đã hủy bỏ hợp đồng vận chuyển 5 năm với tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga vào cuối năm 2024, dừng dòng chảy khí đốt tự nhiên từ Nga đến Romania, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Áo, Italy và Moldova./.