Kỳ vọng về một môi trường ổn định để doanh nghiệp phát triển
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, đây là một tín hiệu đáng mừng và kỳ vọng về một môi trường ổn định.
Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao và vượt ngưỡng trung bình 2 năm gần đây song số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn vượt qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường...
Tuy nhiên, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4. Đây là một tín hiệu đáng mừng và kỳ vọng về một môi trường ổn định để doanh nghiệp phát triển.
Doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 4/2024, cả nước có thêm 15.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 175.800 tỷ đồng.
Con số này giảm 4,1% về số doanh nghiệp và tăng 13,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng nếu so với tháng Ba, số doanh nghiệp mới trong tháng Tư vẫn tăng 8,4%.
Đại diện Vụ Thống kê xây dựng và công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết, từ khi dịch COVID-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục trở lại bình thường, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm luôn được duy trì mức gần 50.000 doanh nghiệp.
Với sự gia nhập thị trường của 15.300 doanh nghiệp trong tháng 4/2024, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt trên 51.550 doanh nghiệp, vượt qua ngưỡng trung bình 2 năm gần đây và là mức cao nhất kể từ trước tới nay.
Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp dù có tăng, nhưng chưa quay lại mốc cũ 12,8 tỷ đồng (trung bình giai đoạn 2019-2022). Điều này có thể thấy doanh nghiệp vẫn còn thận trọng khi bỏ vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Tháng 4/2024 cũng ghi nhận có 8.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 29.700 doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Chỉ tiêu này vẫn duy trì sự hồi phục sau dịch COVID-19, đạt gần 30.000 doanh nghiệp so với trung bình giai đoạn 2019-2022 là 18.000 doanh nghiệp.
Với số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động đạt được trong tháng 4/2024, tính chung số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024 là 81.300 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 20.300 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong 4 tháng đầu năm, có 507 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; 12.500 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4%; 38.600 doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 3,2%.
Về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2024, cả nước có 7.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 84,1% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023; có 4.650 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 6,5% và giảm 20,2%; và có 1.340 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,8% và giảm 10,9%.
Tính chung, 4 tháng đầu năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 60.900 doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước; 19.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 9%; 6.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 4,9%. Bình quân một tháng có 21.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Như vậy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao hơn so với số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Điều này cho thấy tình hình sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp thiếu đơn hàng, doanh nghiệp gia tăng rời bỏ thị trường vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm... Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp vẫn đủ sức tiếp tục trụ lại thị trường, thậm chí còn có thể mở rộng năng lực đầu tư, gia tăng sản xuất, góp phần vào ngân sách nhà nước.
Về phía địa phương, ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, kinh tế Bình Dương vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn do xung đột địa chính trị kéo dài, lạm phát còn cao, giá dầu, giá lương thực, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh, tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình trong tỉnh trên hầu hết các ngành, lĩnh vực.
Không những thế, tình hình sản xuất kinh doanh trong một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp một số ngành phục hồi chậm. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm, các ngân hàng đã và đang triển khai các giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng chậm.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Bích Lâm cho biết, khu vực doanh nghiệp, cụ thể ở đây là đầu tư tư nhân cần được chú trọng để trở thành động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng.
“Cùng với đó, nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công mà cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất,” ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.
Kỳ vọng về một môi trường ổn định
Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2024 vừa được S&P Global công bố cho thấy một số tín hiệu tích cực hơn so với tháng trước.
PMI ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm trong tháng 4, khi đạt 50,3 so với 49,9 điểm của tháng 3. Kết quả chỉ số cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện nhẹ, và đây là lần cải thiện thứ ba trong 4 tháng qua.
Bình luận về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: "Số lượng đơn đặt hàng mới của ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 4 sau thời gian yếu kém gần đây. Từ đó, lượng công nhân trở lại làm việc tại các doanh nghiệp sẽ gia tăng."
Với các chỉ dấu này, Andrew Harker kỳ vọng về một môi trường ổn định hơn để giúp các nhà sản xuất lập kế hoạch sản lượng và chuẩn bị nguồn lực hiệu quả.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới, Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ cần thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; đồng thời, tiếp tục rà soát các điều kiện cho vay, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp; thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cần tăng cường quản lý giá cả, thị trường; bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; đồng thời, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát cho rằng Chính phủ cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhất là các chính sách về thuế và lãi suất.
Chính phủ nên kéo dài thời gian giảm thuế VAT tới hết năm 2024 thậm chí có thể kéo dài hơn nữa nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp. Các chính sách này có thể giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi để bắt kịp đà tăng trưởng.
Ông Đào Phan Long, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng sự hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý 3 và 4 năm nay, doanh nghiệp làm ăn tốt hơn. Trong 6 tháng này, doanh nghiệp sẽ tận dụng chính sách để hồi phục.
Về phía ngân hàng cũng có thêm thời gian cơ cấu các khoản nợ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép,” ông Long cho hay.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố luôn có nhiều giải pháp, biện pháp và tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, do nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn nên không ít doanh nghiệp, làng nghề gặp không ít vướng mắc. Vì vậy, dự kiến trong tháng 5 này, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có kế hoạch tiếp tục tổ chức gặp gỡ, đối thoại và muốn lắng nghe những khó khăn để kịp thời tháo gỡ.
“Chính phủ cần thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội; tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực,” Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh./.