Ngành ngân hàng lấy người dân làm trung tâm trong Chuyển đổi Số
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh Số.
“Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kết nối, mở rộng và phát triển hệ sinh thái số tới các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để cung ứng các dịch vụ liền mạch, xuyên suốt, an toàn, tiết kiệm và minh bạch.”
Đó là phát biểu của bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 diễn ra ngày 8/5 tại Hà Nội.
Cơ sở dữ liệu là yếu tố then chốt
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết xác định đẩy mạnh Chuyển đổi Số là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-Ngân hàng Nhà nước) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và cung cấp tiện ích, thuận tiện cho người dùng là thước đo hiệu quả Chuyển đổi Số.
Nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về Chuyển đổi Số.
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh Số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm.
Ngoài ra, hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Cũng theo Thống đốc, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng…
Phát biểu tại sự kiện, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng Công an sẵn sàng cùng với ngân hàng trong công tác chuyển đổi số để tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết Bộ Công an đã thực hiện cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân với trên 104 triệu dữ liệu, 86 triệu thẻ căn cước công dân cho 100% công dân đủ điều kiện trên toàn quốc, 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản định danh điện từ.
Ông Ngọc cho biết thêm trong năm 2024, theo nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, trước hết là đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua tài khoản nhằm minh bạch, chống thất thoát ngân sách nhà nước, hiện có 2 triệu người có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản với số tiền trên 4.500 tỷ đồng.
Ngoài ra cấp 86 triệu căn cước công dân gắn chíp, thu thập trên 1 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt 53,88 triệu tài khoản, có 8 tiện ích phục vụ cho người dân với 29,4 triệu lượt người truy cập vào VneID, sắp tới sẽ công bố 26 tính năng mới trên VneID trong đó có 4 tính năng liên kết với ngành Ngân hàng và tiến tới sẽ đưa tài khoản định danh VneID bằng phương thức duy nhất truy cập và thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công vào tháng 7/2024… từ đó cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc mong ngành Ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng Bộ Công an nhằm tuyên truyền và đưa đến nhiều tiện ích cho người dân; từng bước đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc cũng đánh giá, ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số với mục tiêu rõ ràng, cho phép khách hàng trải nghiệm dịch vụ trên kênh số, có doanh thu từ kênh số tăng cao, đặc biệt là dịch vụ thanh toán số 100%; giải ngân cho vay trên kênh số; có sự tham gia các công ty tài chính; nhờ có sự kết nối liền mạch, người dân có thể tra cứu trên điện thoại thông minh tiền điện, tiền nước, thanh toán hóa đơn.
Tích hợp ứng dụng VNEID phòng ngừa gian lận, lừa đảo
Cũng tại sự kiện, bà Đinh Thị Thái, Phó Tổng giám đốc - Phụ trách Khối quản lý rủi ro Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chia sẻ những thông tin liên quan đến chủ đề kết nối, tích hợp ứng dụng VNeID trong xác thực, định danh khách hàng để phòng ngừa gian lận, lừa đảo.
Theo bà Thái, các ngân hàng đã chủ động gia tăng tần suất cải tiến các hình thức cảnh báo nhằm khuyến nghị khách hàng bảo mật thông tin của mình và thực hiện giao dịch trực tuyến an toàn.
Tại Vietcombank, với việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư cùng Cục Cảnh sát Hành chính về trật tự xã hội (CO6) hoàn thành kết nối về kỹ thuật với Dữ liệu dân cư quốc gia và ứng dụng nhiều giải pháp định danh chính xác công dân, khách hàng.
Bà Thái cho rằng, việc kết nối giữa ứng dụng giao dịch ngân hàng điện tử với ứng dụng định danh điện tử VNeID giúp ngân hàng có được nguồn dữ liệu định danh khách hàng tin cậy, được cung cấp bởi Bộ Công an.
Hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ ngân hàng được liên kết xuyên suốt với nguồn dữ liệu đầy đủ, bao gồm các thông tin về giấy tờ định danh, thông tin sinh trắc học, thông tin về khách hàng đảm bảo tính tin cậy, chính xác và cập nhật nhất. Từ đó giúp ngăn chặn các hành vi giả mạo danh tính để mở tài khoản gian lận, lừa đảo cũng như tối ưu hoạt động thông qua giảm thiểu các thủ tục về giấy tờ, nguồn lực, thời gian, chi phí cho công tác định danh thủ công.
Bên cạnh đó, việc tích hợp ứng dụng cũng tạo tiền đề cho việc xây dựng các tiện ích hỗ trợ khách hàng tốt hơn như “Tích xanh tài khoản đảm bảo” và “Xác thực trực tuyến” hoặc “Xác thực thông tin đa chiều”.
Đối với người dân, việc kết nối xác thực định danh từ VNeID trên ứng dụng Ngân hàng số giúp cung cấp, chia sẻ thông tin cho ngân hàng nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo an toàn, bảo mật và tránh được các trường hợp giả mạo thông tin đồng thời phòng ngừa rủi ro cho chính giao dịch của người dân khi việc xác thực được thực hiện trên đúng thiết bị của khách hàng.
Trong bối cảnh các hoạt động gian lận và lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp, việc sử dụng công nghệ kết hợp với dữ liệu dân cư và sử dụng hình ảnh sinh trắc học trong ứng dụng VNeID nhằm xác thực giao dịch điện tử là một ví dụ, một điểm sáng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch qua ngân hàng
Với vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, ông Trần Long – Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết BIDV đã xác định “Công nghệ và Chuyển đổi Số” là một trong 3 trụ cột chính trong chiến lược hoạt động. Trong thời gian qua, BIDV đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động Chuyển đổi Số và liên tục ra mắt các giải pháp tài chính sáng tạo mới, trong đó có những kết quả trong hoạt động ngân hàng mở mà BIDV đã và đang mang đến cho khách hàng trên nền tảng Open API.
“Sau 5 tháng triển khai, đã có 90.000 lượt gọi API trên hệ thống, chúng tôi ước tính đến năm 2025, sẽ có khoảng hơn 500.000 khách hàng doanh nghiệp, 1 triệu khách hàng tiểu thương và hàng triệu khách hàng cá nhân sẽ được cung cấp các tiện ích từ hệ thống BIDV Open API,” ông Long cho biết.
Theo ông Long, với kinh nghiệm của BIDV, để hoạt động ngân hàng mở thực sự mang giá trị cho khách hàng và nền kinh tế không chỉ cần đầu tư vào hệ thống công nghệ mà các ngân hàng còn cần quan tâm chú trọng đến Quản trị dữ liệu, An toàn bảo mật trong quá trình lựa chọn đối tác và cung cấp hạ tầng cho giao dịch./.