Kinh doanh bản quyền và nhân vật biểu tượng Việt-Hàn: 'Mỏ vàng' kinh tế mới
Việc phát triển nhân vật biểu tượng và bản quyền là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm tạo dựng nền kinh tế dựa trên sáng tạo, kết nối văn hóa và thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Bình Dương.
Ngày 3/10, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế WTC Expo Bình Dương khai mạc "Ngày hội Nhân vật biểu tượng và Bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc 2024."
Đây là cơ hội để trao đổi, tăng cường hợp tác trong ngành công nghiệp nhân vật biểu tượng - một lĩnh vực mới nổi đang dần trở thành một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế tại Bình Dương.
Sự kiện, do KOCCA Việt Nam (Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc tại Việt Nam) và Trung tâm Thương mại Thế giới WTC Bình Dương New City tổ chức, đã mang đến các nhân vật biểu tượng từ Hàn Quốc và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu những hướng đi mới trong mô hình phát triển kinh tế dựa trên sáng tạo và bản quyền.
Đây là một chuyển dịch quan trọng trong bối cảnh kinh tế hiện đại khi Bình Dương đang từng bước chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp truyền thống sang phát triển các lĩnh vực sáng tạo, nội dung số và thương hiệu.
Nhân vật biểu tượng, vốn từng chỉ là sản phẩm giải trí, giờ đây đã trở thành chiến lược thương mại, góp phần xây dựng thương hiệu và thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo tại địa phương. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm, đa dạng hóa nguồn thu và kết nối với thị trường quốc tế.
Thực tế cho thấy ngành công nghiệp nhân vật biểu tượng tại Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng, với những thành công vang dội từ các thương hiệu toàn cầu. Bình Dương với sự hiện diện của các khu công nghiệp hiện đại, đang từng bước chuyển mình thành điểm đến cho các mô hình kinh doanh mới, kết hợp giữa văn hóa và kinh tế.
Thay vì chỉ dừng lại ở việc nhập khẩu công nghệ, sự kiện khuyến khích sự sáng tạo nội dung bản địa, từ đó xây dựng những nhân vật biểu tượng mang đậm bản sắc Việt Nam, đủ sức vươn ra thị trường quốc tế.
Ông Seong Im Kyeong, Giám đốc đại diện KOCCA Việt Nam, chia sẻ với cơ sở hạ tầng hiện đại và quyết tâm phát triển ngành công nghiệp nhân vật biểu tượng tại Bình Dương, chúng tôi tin rằng tiếp tục đạt thêm nhiều thành công mới và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này.
Không chỉ dừng lại ở các cuộc gặp gỡ giữa hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc mà còn là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau thảo luận về thách thức và cơ hội trong việc xây dựng mô hình kinh tế sáng tạo tại địa phương.
Việc phát triển nhân vật biểu tượng và bản quyền được coi là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm tạo dựng một nền kinh tế dựa trên sáng tạo, kết nối văn hóa và thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Bình Dương.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhấn mạnh rằng sự kiện này đã tạo ra nền tảng để thảo luận về cách văn hóa và sáng tạo có thể trở thành yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững. Trong khi tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp truyền thống, Bình Dương cũng đang tìm cách mở rộng sang các lĩnh vực sáng tạo, nội dung số và bản quyền - những ngành có tiềm năng lớn trong việc tạo ra giá trị kinh tế lâu dài.
Nhìn về tương lai, Ngày hội Nhân vật biểu tượng và Bản quyền không chỉ góp phần khẳng định Bình Dương như một trung tâm kinh tế mới nổi, mà còn mở ra một chương mới cho sự phát triển bền vững của tỉnh, kết nối văn hóa với chiến lược phát triển kinh tế.
Trong khuôn khổ ngày hội, 15 doanh nghiệp hàng đầu từ Hàn Quốc đã tham gia, mang đến những sản phẩm độc đáo và sáng tạo, thu hút sự quan tâm của những người yêu thích nhân vật biểu tượng. Đây là những sản phẩm không chỉ nổi bật về tính thẩm mỹ mà còn thể hiện rõ chiến lược kinh doanh hiệu quả, góp phần tạo ra nguồn thu lớn từ việc khai thác bản quyền nhân vật - một lĩnh vực đang ngày càng trở thành "mỏ vàng" cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo./.