VN-Index thoái lui trước mốc 1.300 điểm, thanh khoản thị trường đạt hơn 1 tỷ USD
Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 9,74 điểm xuống 1.278,1 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ đơn vị, tương ứng trên 23.270,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 106 mã tăng giá, 289 mã giảm giá.
Áp lực bán trên thị trường chứng khoán tăng mạnh khiến các nhóm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. Thanh khoản toàn thị trường đạt tới hơn 25.539 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).
Thực tế, sau nhiều phiên giao dịch VN-Index không chinh phục thành công ngưỡng 1.300 điểm, thị trường hôm nay đã thoái lui, giảm mạnh. Điều này đã được giới phân tích dự báo trước đó.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 9,74 điểm xuống 1.278,1 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ đơn vị, tương ứng trên 23.270,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 106 mã tăng giá, 289 mã giảm giá và 68 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,7 điểm xuống 233,35 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 73,4 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 1.346,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 45 mã tăng giá, 110 mã giảm giá và 51 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 0,6 điểm xuống 92,68 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 54,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 922,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 122 mã tăng giá, 165 mã giảm giá và 84 mã đứng giá.
Hôm nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý, nhóm bất động sản giảm rất sâu; trong đó, VHM giảm tới 4,15%, VIC giảm 1,66%, VRE giảm 2,61% đã tác động rất tiêu cực lên chỉ số VN-Index.
Rổ cổ phiếu VN30 có tới 20 mã giảm giá, trong khi chỉ có 8 mã tăng giá và 2 mã đứng ở tham chiếu cũng tạo thêm áp lực lớn lên thị trường chung.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng dù có nhiều mã tăng, nhưng mức tăng không lớn. Ngoài OCB tăng 6,69% lên giá trần 12.750 đồng/cổ phiếu và NVB tăng 2,2%, hầu hết các mã ở chiều tăng còn lại chỉ tăng nhẹ dưới 2%, thậm chí chưa đến 1%.
Thêm vào đó, các mã vốn hóa lớn đầu ngành ngân hàng như VCB, ACB, BID, VIB đều ở chiều giảm giá.
Các nhóm cổ phiếu còn lại chủ yếu diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen. Toàn thị trường không có nhóm cổ phiếu nào thực sự nổi bật, tăng điểm mạnh trong phiên hôm nay.
Điểm tích cực là trong khi nhà đầu tư trong nước bán mạnh cổ phiếu thì nhà đầu tư nước ngoài tranh thủ mua ròng.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh tay 488 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 575 tỷ đồng trên HOSE. Chứng chỉ quỹ FUEVFVND được khối ngoại mua mạnh nhất trên HOSE với 472 tỷ đồng.
Theo sau, STB và VHM là được mua ròng hơn 100 tỷ đồng. TCB và VNM cũng được mua ròng lần lượt 87 và 65 tỷ đồng.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng hơn 48 tỷ đồng trên HNX và 39 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Thực tế, sau phiên 2/10, nhiều chuyên gia từ các công ty chứng khoán đã tỏ ra thận trọng về diễn biến của thị trường và khuyến nghị nhà đầu tư cần giao dịch cẩn trọng, trong bối cảnh chỉ số đang thử thách lại vùng đỉnh giá cũ.
Cụ thể, các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình (ABS) dự báo thị trường tiếp tục gặp rung lắc nhằm hấp thụ lực cung khi vận động trên vùng đỉnh cũ đã 4 lần kiểm định không thành công trước đó.
Thị trường cần xác nhận pha lên tiếp theo với nếu đóng cửa trên mốc 1.300 điểm. Nếu chỉ số kiểm định không thành công vùng đỉnh này, mốc hỗ trợ 1.235 điểm sẽ cần xem xét
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, trong các kịch bản khi VN-Index không sớm bứt phá mốc 1.300 điểm, thị trường nhiều khả năng sẽ điều chỉnh nhanh về mốc hỗ trợ quanh 1.275 điểm để tìm vùng cân bằng.
Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ danh mục, ưu tiên giải ngân mới nhóm ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh quý III/2024 tăng trưởng tích cực.
Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng cho rằng chỉ số VN-Index sẽ dao động với biên độ hẹp và xây nền quanh vùng giá 1.285-1.295 điểm (+/- 10 điểm) cho đến khi tìm được động lực để bứt phá vượt kháng cự 1.300 điểm.
Trong kịch bản xấu hơn, thị trường có thể sẽ có nhịp điều chỉnh, do đó nhà đầu tư cần cẩn trọng, chỉ giải ngân khi thị trường vượt kháng cự hoặc mua ở hỗ trợ bên dưới./.