Kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước 8.660 tỷ đồng
Sáu tháng đầu năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước 8.661 tỷ đồng, đồng thời có các kiến nghị khác lên tới 14.860 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm 2022, tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 30 dự thảo báo cáo kiểm toán, 127 báo cáo kiểm toán đã phát hành (thuộc kế hoạch kiểm toán năm 2022) và 6 báo cáo kiểm toán (chuyển từ kế hoạch kiểm toán năm 2021 sang năm 2022), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước 8.661 tỷ đồng (tăng thu ngân sách 1.067 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 7.594 tỷ đồng) và các kiến nghị khác lên tới 14.860 tỷ đồng.
Nội dung trên được Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước, ngày 7/11.
Chuyển cơ quan điều tra một số vụ việc
Đại diện cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những yêu cầu xử lý tài chính và kiến nghị với các bộ, cơ quan trung ương hoặc phát hiện kiểm toán quan trọng,... từ các Chuyên đề về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ; Chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017 - 2021 tại thành phố Hải Phòng (theo đó 3 vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra), tỉnh Sơn La, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Dương; Kiểm toán ngân sách địa phương năm 2021 của tỉnh Tây Ninh (có 1 vụ việc chuyển cơ quan điều tra), Long An, Cao Bằng.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước tại các Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 của Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Lâm nghiệp,... ngành đã kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu, sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể, cá nhân.
Bên cạnh đó, trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước còn tham gia ý kiến về chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm quốc gia (Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Dự án Đường bộ cao tốc Chấu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bán sát yêu cầu khôi phục kinh tế-xã hội
Tham dự hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh những tháng đầu năm 2022, đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước và toàn ngành đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tích cực đổi mới, làm việc với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Kết quả công tác của Kiểm toán Nhà nước tiếp tục góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng. Mặt khác, kết quả kiểm toán đã cung cấp nhiều thông tin giúp Quốc hội thực hiện 3 chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tài chính-ngân sách.
“Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước và tập thể lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, điều hành để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động kiểm toán. Theo đó, chất lượng kiểm toán được nâng lên, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục khẳng định vị trí là công cụ quan trọng của Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát tài chính công, tài sản công đồng thời phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và chỉ đạo điều hành của Chính phủ,” Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Theo ông Hải, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, lạm phát, suy giảm kinh tế tiềm ẩn ở nhiều nền kinh tế lớn.
Bối cảnh trong nước có nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng, thu ngân sách Nhà nước. Song, do độ mở của nền kinh tế lớn đã khiến giá cả hàng hóa, vật tư chiến lược, xăng, dầu, phân bón và nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tăng cao đồng thời tăng trưởng, lạm phát, thu-chi ngân sách, bội chi, nợ công còn nhiều rủi ro, thách thức.
Vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước là rất nặng nề và cần có chuyển biến thực tế để đáp ứng yêu cầu khôi phục kinh tế-xã hội, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cân đối ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực công.
“Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của tiếp tục bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, Đề án hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 đảm bảo tiến độ, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả,” Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nói./.