ECB: Thế giới sẽ không trở lại môi trường lạm phát thấp trước đại dịch
Chủ tịch ECB nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt hệ lụy từ cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, cũng như bất ổn về địa chính trị và thực tế này sẽ làm thay đổi thế giới.
Theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, thế giới sẽ không quay trở lại "môi trường lạm phát thấp" như trước thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát.
Phát biểu tại diễn đàn thường của ECB diễn ra tại Lisbon (Bồ Đào Nga) ngày 29/6, bà Lagarde nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt hệ lụy từ cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19, cũng như bất ổn về địa chính trị và thực tế này sẽ làm thay đổi khuôn khổ và môi trường mà thế giới đang vận hành.
Cùng với đó, bà Lagarde cũng đề cập đến những yếu tố có vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế như tỷ lệ thất nghiệp ở Khu vực sử dụng đồng euro đang ở mức thấp lịch sử.
Theo bà Lagarde, đây là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế đang diễn ra.
[BIS cảnh báo 'bóng ma lạm phát đình trệ' đe dọa kinh tế thế giới]
Theo bà Lagarde, các nước nên hỗ trợ những nước dễ bị tổn thương nhất, song không phải theo cách hỗ trợ chung chung khiến các nước rơi vào cảnh nợ nần.
Người đứng đầu ECB nhấn mạnh các nước sẽ phải có trách nhiệm thực hiện "chính sách ngân sách," phi tiền tệ, để hỗ trợ những nước chịu nhiều rủi ro nhất do bão giá và lãi suất tăng.
Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói ông không rõ về việc thế giới có quay lại thời kỳ trước đại dịch hay không và theo ông, đó là thời kỳ giảm phát gây bất ổn ở cấp độ toàn cầu được thúc đẩy bởi "toàn cầu hóa, dân số già, năng suất và công nghệ thấp."
Ông Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và có thể chịu được tác động của việc tăng lãi suất trong thời gian gần đây.
Ông Powell cho biết Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và tạo cơ hội cho nguồn cung phục hồi./.