Kiên Giang kiến nghị nhiều vấn đề cấp thiết phát triển đảo Phú Quốc
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết tỉnh kiến nghị Trung ương nhiều vấn đề cấp thiết trong chiến lược phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch biển.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới,” bên cạnh triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Trung ương nhiều vấn đề cấp thiết trong chiến lược phát triển đảo Phú Quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của thành phố Phú Quốc theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương phân cấp hoặc ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thẩm định, kiểm tra, thẩm duyệt, nghiệm thu đối với các dự án nhóm A, nhóm B, công trình cấp I, cấp đặc biệt thuộc nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn khác trên địa bàn Phú Quốc (trừ các dự án do bộ, ngành Trung ương quản lý).
Cùng với đó, tỉnh đề xuất ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Phú Quốc để đầu tư phát triển hạ tầng về cấp nước, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông… với tổng nhu cầu khoảng 42.000 tỷ đồng. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Phú Quốc được sử dụng nguồn tăng thu hoặc nguồn thu hợp pháp khác để hợp đồng lao động giải quyết một số công việc đang phát sinh đang ngày càng quá tải so với bộ máy chính quyền hiện nay....
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ tỉnh đề xuất ưu tiên nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho Phú Quốc để đầu tư phát triển hạ tầng về cấp nước, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông… với tổng nhu cầu khoảng 42.000 tỷ đồng. Qua rà soát thứ tự ưu tiên và tính cấp thiết, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư 2 dự án hiện đang rất cấp thiết đối với sự phát triển của thành phố Phú Quốc.
Cụ thể là đường ven biển Phú Quốc, quy mô mặt đường bình quân từ 9-30m, tổng chiều dài 26,6km, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Tuyến đường này đi ven bờ biển Phú Quốc, vừa đáp ứng yêu cầu giao thông, tham quan, vừa phục vụ quốc phòng-an ninh và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đường vành đai ven rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trên đảo Phú Quốc với tổng chiều dài khoảng 184km, tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng. Đây là tuyến vừa là đường giao thông, vừa là làn ranh ngăn cách giữa rừng với bên ngoài để phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng và phòng chống xâm hại rừng Phú Quốc.
Phú Quốc, là đảo lớn nhất trong quần thể 22 hòn đảo, có diện tích 589,27km², tương đương quốc đảo Singapore (gần 80% diện tích Singapore), nằm ở trung tâm ASEAN, thuận lợi trong kết nối đường hàng không, đường biển với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phú Quốc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong thế trận phòng thủ của Kiên Giang, Quân khu 9 và khu vực biển, đảo phía Tây Nam Tổ quốc. Là đảo nhưng có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, vừa có núi, rừng nguyên sinh (chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên), sông, suối và biển…
Sau gần 20 năm (2004-2024) đầu tư, phát triển đảo Phú Quốc, năm 2023 quy mô nền kinh tế đảo ngọc này chiếm khoảng 15% của tỉnh, khoảng 19.500 tỷ đồng; thu ngân sách hơn 7.817 tỷ đồng, chiếm 51,7% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; doanh thu từ du lịch Phú Quốc chiếm 85% toàn tỉnh, khoảng 14.700 tỷ đồng; huy động vốn đầu tư toàn xã hội chiếm hơn 54% toàn tỉnh khoảng 21.489 tỷ đồng…
Quý 1 vừa qua, tổng thu ngân sách toàn tỉnh trên 5.000 tỷ đồng, trong đó, Phú Quốc chiếm 30,5%; toàn tỉnh đón 2,8 triệu lượt khách du lịch; trong đó, Phú Quốc chiếm 60% lượng du khách, đặc biệt là Phú Quốc đón hơn 285.000 lượt khách quốc tế, chiếm 98% toàn tỉnh; tổng doanh thu từ du lịch của tỉnh đạt 7.274 tỷ đồng, trong đó, Phú Quốc chiếm 84%, khoảng 6.110 tỷ đồng.
Sự phát triển của Phú Quốc không những đã góp phần cho Kiên Giang phát triển, mà còn lan tỏa và thúc đẩy cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới./.