Kiên Giang bàn cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng hạng PCI

Hiện nay, chỉ số PCI của Kiên Giang đứng thứ hạng thấp, chưa được như kỳ vọng, nhất là các chỉ số con như đào tạo lao động, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi tập huấn. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Ngày 29/10, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tập huấn kỹ năng hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho 50 học viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách công tác cải cách thủ tục hành chính; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Cô Văn Tại, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Kiên Giang, những năm gần đây chỉ số PCI của Kiên Giang đứng thứ hạng thấp, chưa được như kỳ vọng, nhất là các chỉ số con như đào tạo lao động, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Điều này cho thấy trong chỉ đạo điều hành đã đầy đủ biện pháp nhưng nhiệm vụ cải thiện PCI còn chậm, chưa mạnh mẽ, chưa đạt yêu cầu từ chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, cũng như thực tiễn môi trường kinh doanh đòi hỏi phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Việc giảm hạng PCI đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín về môi trường đầu tư kinh doanh của địa phương.

Ông Cô Văn Tại, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang, phát biểu khai mạc khóa tập huấn. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

Khóa tập huấn này nhằm cung cấp kiến thức, thông tin mới và thực trạng môi trường kinh doanh của Kiên Giang nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung; thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải pháp nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh.

Khóa tập huấn giúp lãnh đạo, cán bộ hiểu rõ hơn tầm quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh; trách nhiệm và vai trò của mình trong hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại; làm tốt hơn khâu tham mưu và có kế hoạch triển khai phù hợp, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, ông Tại nói.

Theo đánh giá của VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang còn một số chỉ số liên quan có xu hướng giảm trong năm 2023 và đang ở mức thấp như: chỉ số đào tạo lao động, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, đặc biệt là chỉ số về cạnh tranh bình đẳng giảm mạnh. Ngoài ra, khả năng tiếp cận và số lượng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa đạt kỳ vọng.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết để cải thiện môi trường kinh doanh, Kiên Giang cần triển khai hiệu quả các thủ tục công bố thông tin doanh nghiệp qua mạng điện tử; đẩy mạnh đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử nhằm giảm chi phí, giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện, giải quyết nhanh chóng việc chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng của bộ phận “một cửa” để đảm bảo việc am hiểu chuyên môn và khả năng hướng dẫn hồ sơ thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và kỹ năng giao tiếp cho các cán bộ tại bộ phận “một cửa” và cán bộ chuyên môn trong tiếp nhận, xử lý hồ sơ liên quan đến doanh nghiệp.

Cùng với việc hướng dẫn, hỗ trợ đối với các thủ tục hành chính liên quan đến tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh cần hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; có thêm các chương trình đào tạo, tập huấn về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; tiếp cận mặt bằng tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; dịch vụ tư vấn pháp luật; dịch vụ tư vấn thông tin thị trường; chương trình đào tạo nghề cho người lao động.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thẩm định, quản lý và giám sát đối với dự án thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án đầu tư.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Đồng bằng sông Cửu Long, trao đổi với đại đại biểu. (Ảnh: Văn Sĩ/TTXVN)

“Một trong những khâu quan trọng là tỉnh cần thường xuyên thực hiện rà soát, tham mưu bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và những vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để kịp thời tháo gỡ theo hướng đưa chính sách hướng đến doanh nghiệp, kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ, xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền," bà Hương nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, tỉnh hiện có hơn 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh doanh thu. Trong 3 quý vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn đạt mức 119.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 686 triệu USD, đóng góp an sinh xã hội qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trên 10 tỷ đồng.

Toàn tỉnh có gần 1.100 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 8.600 tỷ đồng - đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của địa phương lên hơn 12.400 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 213.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như: nhiều doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, môi trường, xây dựng.

Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động nắm bắt, phối hợp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Cùng với đó, triển khai đồng bộ giải pháp để phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tỉnh lớn mạnh; đồng thời quan tâm đến doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn./.