Khởi công xây dựng cụm Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh cụm Tượng đài nhằm phát huy giá trị lịch sử, truyền thống cách mạng hào hùng của nhân dân Nam Bộ, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Nghi thức khởi công công trình. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ngày 2/1, tại khu vực bờ Nam sông Ông Đốc (Khóm 6B, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Lễ khởi công xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.

Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Cụm công trình do Ban Quản lý Dự án Xây dựng Công trình Giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 10,8ha, tổng mức đầu tư trên 176,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn Trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Công trình gồm các hạng mục: Tượng đài, sàn khu vực tượng đài, sàn khu vực tổ chức sự kiện, cầu cạn vào khu tượng đài và liên kết với đường theo bờ kè, đường giao thông đấu nối vào tượng đài, bãi đậu xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Thời gian thực hiện công trình trong tháng 11/2024, đúng dịp Kỷ niệm 70 năm Chuyến tàu tập kết ra Bắc; trong đó Tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 do nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng thiết kế với hình tượng cách điệu chiếc tàu dài 25m, cao 10,5m, rộng 8,5m, chất liệu bằng đá granite, hai bên thân tàu bố trí các bức phù điêu cách điệu.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt nhấn mạnh cụm Tượng đài nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng hào hùng của nhân dân Nam Bộ nói chung và của tỉnh Cà Mau nói riêng, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Công trình sẽ là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Huỳnh Quốc Việt yêu cầu chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công có những giải pháp xây dựng cụm Tượng đài đảm bảo an toàn, đạt thẩm mỹ và chất lượng cao nhất, đúng tiến độ đề ra.

Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 do Nhà điêu khắc Trần Thanh Tùng thiết kế. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Cách đây 70 năm, sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, cửa Sông Đốc được chọn làm Bến tập kết 200 ngày đêm để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Nơi đây là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam Bộ để các chuyến tàu tập kết chuyên chở hàng trăm nghìn cán bộ, bộ đội, nhân dân, thiếu nhi của miền Nam ra miền Bắc.

Sự kiện tập kết năm 1954 được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa to lớn, đưa cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những chuyến tàu tập kết ấy có những đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước./.