Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW: Mạnh tay xử lý nạn lãng phí từ gốc
Việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về chống lãng phí được dư luận ủng hộ, nhất là khi Bộ Chính trị đã yêu cầu xem đây là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân.
Nạn lãng phí gây nguy hại cho xã hội không kém gì nạn tham nhũng. Tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước “xử lý” rất mạnh tay, không có vùng cấm, còn lãng phí tuy đã có nhiều quy định cụ thể nhưng việc thực hiện thì nhiều nơi lại chưa nghiêm.
Lãng phí vẫn xảy ra phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, gây những thiệt hại khó đo đếm được. Thế nên mới đây, việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được dư luận đồng tình ủng hộ.
Trước hết phải nói rằng chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí vốn là việc không mới. Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã khẳng định “cần, kiệm, liêm, chính” là yêu cầu nhất thiết phải có, là “tứ đức” cơ bản làm nên “gốc” của người cách mạng. Chỉ rõ tác hại của nạn lãng phí, là “Tham ô có hại, nhưng lãng phí có khi còn hại hơn nhiều, nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...," Người nghiêm khắc yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên với tư cách là một công dân của xã hội mới “phải thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải lấy phê bình và tự phê bình mà tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân và bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể."
Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Đại hội lần thứ VI của Đảng đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, với trọng tâm là đổi mới kinh tế và trong quá trình đó, Đảng luôn coi trọng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng xác định “tiết kiệm là chính sách lớn phải được thực hiện trong tất cả các hoạt động sản xuất, xây dựng và tiêu dùng xã hội…"
Năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành quyết định về triệt để tiết kiệm. Năm 1993, Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu.
Đến năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Năm 1998, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Năm 2005 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng, Nhà nước đã tạo những chuyển biến rõ rệt. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã chỉ rõ việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực.
Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nhà nước khác bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên theo đúng mục tiêu đề ra, nhưng vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng.
Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản được tăng cường. Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ, yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Song thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ rõ việc lập, thẩm định dự toán ngân sách nhà nước chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ. Vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến. Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa nghiêm.
Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ thì đến năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến…
Nhìn trong đời sống xã hội cũng có thể thấy sự lãng phí đang xảy ra rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Điển hình như tại Hà Nội, nhiều cơ sở nhà đất công bị bỏ hoang sau sáp nhập đơn vị hành chính.
Rồi “đến hẹn lại lên," vỉa hè lại bị bới tung lên để sửa chữa khiến dư luận băn khoăn, có hay không việc thi công chỉ để tiêu tiền? Rồi ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước là những dự án treo, quy hoạch treo, những công trình kéo dài cả thập kỷ. Đường cao tốc chưa nghiệm thu có những đoạn đã phải sửa chữa. Hay tình trạng đầu tư hạ tầng không hiệu quả vẫn đang tồn tại theo kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi."
Và hậu quả của nạn lãng phí là hàng ngàn tỷ đồng đã “bốc hơi”!
Nhức nhối trước tình trạng này, dư luận đã bức xúc nêu rõ: tham nhũng và lãng phí là đôi bạn cùng đường với nhau, có tác động qua lại nhau. Tham nhũng núp bóng lãng phí để hoành hành, lợi dụng khe hở của pháp luật của cơ chế, chính sách để vô trách nhiệm dẫn đến lãng phí, tham nhũng. Tệ hại hơn là tham nhũng còn có thể thu hồi được, còn lãng phí hoàn toàn mất đi.
Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thắng thắn chỉ rõ: “Nhiều khi lãng phí còn nhiều hơn cả tham nhũng."
Nói như vậy để thấy rằng lãng phí rõ ràng đang gây nên những hậu quả khôn lường, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội. Nghiêm trọng hơn, lãng phí và tham nhũng chính là mối đe dọa kìm chế khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định.
Thế nên mới đây, việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW được dư luận đồng tình, ủng hộ, nhất là khi Bộ Chính trị đã yêu cầu xem đây là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Bộ Chính trị đã yêu cầu rất rõ phải chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi ban hành Chỉ thị 27, Bộ Chính trị đã yêu cầu có phương án giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA, dự án BOT, BT hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém; các dự án ngừng triển khai theo kết luận của các cơ quan chức năng, sớm đưa các tài sản này vào phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Không khó để thấy Đảng đã kê đúng đơn, bắt đúng "bệnh lãng phí" và đưa ra những biện pháp rất quan trọng, cần thiết, triệt để đặc trị nạn lãng phí. Đảng đã xử lý vấn đề lãng phí từ gốc khi yêu cầu coi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý."
Đây là chủ trương, biện pháp hết sức đúng của Đảng để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã phần nào trở thành “căn bệnh” đâu đó trong đời sống xã hội. Tiết kiệm, chống lãng phí cần phải trở thành văn hóa, thành thói quen, nếp sống.
Điều quan trọng lúc này là các bộ, ban, ngành và từng địa phương cũng như những người đứng đầu mỗi đơn vị nhanh chóng đưa Chỉ thị của Bộ Chính trị vào cuộc sống và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả."./.