Khám sức khỏe tiền hôn nhân - nâng cao chất lượng dân số
Hiện nay, nhiều người trẻ vẫn chưa hiểu rõ về khám sức khỏe tiền hôn nhân, do vậy phóng viên TTXVN đã có chùm bài viết chia sẻ về những lợi ích của bước chuẩn bị quan trọng trước hôn nhân này.
Các chuyên gia y tế khẳng định việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp các cặp đôi phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm cũng như tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai thế hệ mai sau.
Đây là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên và là tiền đề vô cùng quan trọng giúp tạo dựng một cuộc sống gia đình vững bền, hạnh phúc và góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Bài 1: Bước chuẩn bị quan trọng trước hôn nhân
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm cần thiết mang lại lợi ích về sức khỏe sinh sản, thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng trong tương lai.
Nhiều người trẻ chưa hiểu rõ về khám sức khỏe tiền hôn nhân
Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế), giai đoạn tiền hôn nhân bắt đầu từ lúc một người có khả năng sinh sản tới khi kết hôn. Người ở giai đoạn này gồm trẻ vị thành niên có khả năng sinh sản và người lớn tuổi (thậm chí 30-40 tuổi) mà chưa từng kết hôn.
Thông thường, trước hôn nhân, các cặp nam nữ ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất cho cuộc sống mới thì chỉ quan tâm tới việc tổ chức đám cưới và chuẩn bị tâm lý cho sự thay đổi cuộc sống, còn vấn đề sức khỏe sinh sản hầu như không được nhắc đến.
Nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp chỉ vài ngày sau khi kết hôn đã cãi vã, người chồng nghi vợ không còn “trinh” trước khi cưới vì lần đầu “sinh hoạt vợ chồng” không thấy "dấu hiệu"; có trường hợp người vợ có tử cung thấp nên cứ mang bầu là sảy thai; có bạn nữ bị bệnh phụ khoa nhưng không dám đi khám chỉ vì chưa có chồng; rồi rất nhiều đứa trẻ sinh ra bị dị tật không được cha mẹ thừa nhận phải đưa vào các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi…
[Việt Nam đạt những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện sức khỏe sinh sản]
Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương cho rằng không ít trường hợp vì thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà tình cảm vợ chồng rạn nứt, kéo theo là suy giảm sức khỏe, tâm lý lâu dài, đe dọa hạnh phúc gia đình, sâu rộng hơn là ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội và chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.
Điều đáng nói, phần lớn những rắc rối ấy có thể dự phòng nếu người nam và người nữ được hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân tốt.
Cũng theo bà Đỗ Thị Quỳnh Hương, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh. Bởi nhiều dị tật bẩm sinh hay bệnh tật của con cái có thể là do di truyền từ bố mẹ.
Do sự thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh của trẻ ngay trong giai đoạn bào thai nên nhiều cặp vợ chồng đã sinh con bị dị tật, thoát vị não, não úng thủy, bại não, dị tật cơ xương…, chết ngay khi chào đời; còn những trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục, dù sống được nhưng nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân trẻ, gia đình và xã hội suốt đời.
Ở các nước phát triển, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc. Tuy nhiên, ở nước ta nhiều cặp đôi trong độ tuổi kết hôn, độ tuổi sinh sản chưa coi trọng vấn đề này; nhiều bạn trẻ chưa có thông tin, kiến thức đầy đủ về việc đi khám tiền hôn nhân; còn e dè việc đi khám sức khỏe trước khi kết hôn, một phần vì tâm lý sợ người quen, bạn bè dị nghị, một phần vì sợ nếu không may bản thân hoặc bạn mình có bệnh lý gì thì lại ảnh hưởng đến tình cảm của họ... Số ít khác thì nghĩ rằng mình không có vấn đề gì do sức khỏe bình thường, không có ốm đau, bệnh tật gì. Do vậy số nam, nữ thanh niên chủ động đi khám sức khỏe trước khi kết hôn còn rất thấp.
Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, việc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân lại càng gặp nhiều khó khăn. Do phong tục tập quán nên nhiều bà con chưa nhận thức đúng và hiểu hết tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh…, dẫn tới sinh ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh, mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Theo uớc tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, trong đó phổ biến như: Down, hội chứng Ewards, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh thể nặng và các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác.
Đem lại nhiều lợi ích
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số Đỗ Thị Quỳnh Hương, mục đích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm chuẩn bị kiến thức, tâm lý đúng cho cuộc sống tình dục vợ chồng; phát hiện và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh tật có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau.
Thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Phòng ngừa các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai và chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn về sau…
Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của bản thân, mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình.
Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà trước đó họ chưa có kinh nghiệm, nhờ đó tránh được những khúc mắc trong sinh hoạt vợ chồng.
Trong quá trình kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi được khám sức khỏe tổng thể và khám sức khỏe sinh sản (siêu âm tử cung, buồng trứng, làm tinh dịch đồ…) khai thác tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý của bản thân, để đánh giá khả năng mang gen di truyền bệnh lý và có thể ảnh hưởng tới con cái sau này hay không.
Với các xét nghiệm toàn diện được thực hiện, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi tránh sinh ra những đứa trẻ mắc một số bệnh di truyền thường gặp như bệnh mù màu, tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hội chứng Down, bệnh máu khó đông di truyền, hội chứng Turner, hội chứng Edward…
Đồng thời giúp tầm soát các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B, HIV... và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhờ đó hạn chế khả năng di truyền cho con cái, lây bệnh cho bạn đời (nếu chẳng may bị bệnh) cũng như có kế hoạch điều trị bệnh sớm.
Trong trường hợp một trong hai người gặp vấn đề về sinh sản như u nang buồng trứng, tinh trùng yếu, vô tinh…, bác sỹ sẽ có giải pháp can thiệp kịp thời.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt cho các đôi nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn. Đây là một hình thức sàng lọc đầu tiên vô cùng quan trọng, bên cạnh việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh sẽ giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai con cái sau này, đảm bảo cuộc hôn nhân bền vững, tránh những gánh nặng gây ra cho bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội.
Đây cũng là một trong các hình thức sàng lọc trước sinh để nâng cao chất lượng dân số, góp phần bảo vệ, phát triển các dân tộc thiểu số ít người.
Bà Đỗ Thị Quỳnh Hương khuyến cáo các cặp đôi cần đi khám để tầm soát sức khỏe tiền hôn nhân trước khi kết hôn 6 tháng. Đây là thời điểm thích hợp giúp các cặp đôi phòng tránh những rủi ro sau này và có những giải pháp can thiệp kịp thời để khắc phục nếu không may có những vấn đề về sức khỏe./.
Bài 2: Phát huy mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân