Biệt động Sài Gòn - “cú đấm thép” trong Xuân Mậu Thân 1968

Để Biệt động Sài Gòn trở thành một đội quân chiến đấu trong lòng địch, không thể không kể đến sức mạnh từ một thế trận lòng dân, bởi họ sinh ra từ nhân dân và được nhân dân che chở.

Lối vào căn hầm số nhà 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Bài 2: Thế trận lòng dân vững chắc

Để bám trụ được an toàn, hiệu quả, lực lượng biệt động Sài Gòn phải làm tốt công tác vận động quần chúng, tạo môi trường để phát triển lực lượng, chiến đấu và tồn tại lâu dài, tại chỗ.

Họ sinh ra từ nhân dân và được nhân dân che chở. Đó chính là liên tục củng cố “căn cứ lòng dân.”

Cơ sở từ dân

Nghiên cứu của các nhà khoa học khẳng định, cội nguồn sức mạnh của Biệt động Sài Gòn-Gia Định, trước hết là kết quả của mưu trí, dũng cảm, tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của cán bộ, chiến sỹ biệt động, nhưng cội nguồn của nó là từ nhân dân và Đảng bộ thành phố.

Lực lượng này là “con đẻ” trực tiếp từ chủ trương đúng đắn của Đảng ta, mà trực tiếp là Đảng bộ Sài Gòn-Gia Định theo phương châm 3 vùng chiến lược (vùng giải phóng, vùng ven, nội đô), trong đó biệt động là lực lượng võ trang chủ yếu hoạt động trong nội đô với lối đánh sở trường luôn biến hóa đạt hiệu quả cao.

[Khởi động chùm tour du lịch Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn]

Biệt động Sài Gòn mang đặc trưng tiêu biểu của “bộ đội Cụ Hồ” với nguyên nghĩa của nó “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.”

Theo tư liệu của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho đến trước cuộc tổng tiến công, riêng Ban Bảo đảm thuộc Biệt động thành đã trực tiếp xây dựng được hàng trăm cơ sở như khu vực Phú Nhuận có 50 cơ sở; khu vực chợ Vườn Chuối có 15 cơ sở; xóm Chùa, Tân Định 30 cơ sở; xóm lao động cầu Công Lý 10 cơ sở; khu vực Chí Hòa, Hòa Hưng 30 cơ sở; khu vực đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn 10 cơ sở; xóm lao động Bàn Cờ 15 cơ sở.

Chuẩn bị hàng tấn lương thực, thực phẩm, mua sắm trang bị cho lực lượng Biệt động và các lực lượng hoạt động trong nội đô.

Đó là chưa kể đến hàng trăm cơ sở mà các đội biệt động thành phố, quận, huyện và của các đoàn thể trực tiếp xây dựng. Các gia đình cơ sở không chỉ là nơi cất giấu vũ khí, mà còn làm công tác bảo vệ, chuẩn bị tư trang, cung cấp phương tiện đi lại, tiền bạc cho các chiến sỹ trong quá trình nắm địch và trong chiến đấu.

Trong hoàn cảnh tương quan lực lượng cách mạng-phản cách mạng quá chênh lệch, càng thấy rõ hơn ý nghĩa và giá trị của những đóng góp hy sinh, tấm lòng son sắt kiên trung mà người dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định giành cho cách mạng.

Trong những ngày chiến sự diễn ra cam go, ác liệt, đồng bào các phường, các quận nội thành hết lòng che chở, chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ đưa chiến tranh vào sào huyệt địch.

Tiệm phở Bình số 7, Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng, Quận 3) của gia đình ông Ngô Toại, trước kia là Sở Chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 ngay trước giờ xuất quân đợt 1. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi còn là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, từng nêu rõ: “Nếu chúng ta biết rằng một cái hầm nuôi giấu cán bộ, cất chứa vũ khí đào ngay trong lòng thành phố vừa khó khăn, vừa nguy hiểm đến chừng nào đối với bản thân và gia đình người dân dưới chế độ phátxít Mỹ ngụy, thì chúng ta mới hiểu tầm vóc cách mạng của nhân dân sống trong lòng địch.”

Theo phân tích của Tiến sỹ Lê Hữu Phước (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh), chính nhờ “thế trận lòng dân,” nên tuy chúng ta có mắc một số khuyết điểm, cách mạng gặp rất nhiều khó khăn nhưng phong trào cách mạng trên địa bàn Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 đã góp phần quan trọng tạo ra bước ngoặt chuyển sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong suốt quá trình chỉ đạo kháng chiến, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Gia Định luôn phát huy ưu thế tuyệt đối về chính trị của ta ở nội thành để tổ chức đánh địch ngay trong sào huyệt của chúng.

Chính nhờ dựa vào dân, biết phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân vào công tác bảo đảm hậu cần tại chỗ nên các lực lượng biệt động mới có thể duy trì và mở rộng các hoạt động chiến đấu trong thành phố, khiến kẻ thù luôn mất ăn, mất ngủ.

Những kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo công tác bảo đảm vũ khí cho biệt động thành chiến đấu là một mẫu mực tuyệt vời trong việc thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, mà người tổ chức thực hiện là Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, nhân dân và các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã làm nên chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (biệt danh Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo quân sự H63 chia sẻ: "Tôi còn nhớ mãi về một người dân Sài Gòn làm cơ sở cho cách mạng. Năm 1966 tôi ở nhà ông, ông nói: 'Ba biết con vô đây làm cách mạng, vốn của ba hiện có là 36 triệu. Nếu họ bắt được con ở trong nhà thì vốn liếng của ba cũng tiêu tan hết, mấy cháu trong nhà cũng không đi học được. Nhưng ba thương cách mạng, ba thương con nên con cứ yên tâm làm cách mạng và ba sẽ dắt dẫn các em trong nhà đi làm với con'.”

“Nhìn lại, tôi chỉ biết kính phục tấm lòng người dân Sài Gòn và cũng thấy rằng đó là sự rèn luyện của Đảng ta từ bấy lâu nay mới có được đồng bào, nhân dân có lòng yêu nước như vậy. Sài Gòn như thùng thuốc nổ, nếu có châm ngòi lên, họ vùng dậy mãnh liệt,” anh hùng Nguyễn Văn Tàu nhớ lại.

Theo Trung tướng Nguyễn Đức Hải (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng), cuộc chiến tranh chống xâm lược mà Đảng và nhân dân ta tiến hành là cuộc chiến tranh nhân dân, vì vậy thế trận quan trọng nhất của cuộc chiến tranh này là thế trận lòng dân.

Thế trận lòng dân vững mạnh và phát triển, thì dù kẻ thù to lớn đến đâu, sớm muộn sẽ thất bại và ngược lại. Điều quan trọng nhất là, sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, thế trận lòng dân của cách mạng miền Nam tăng cao cả ở trong nước và trên trường quốc tế.

“Xét về thế trận lòng dân của cách mạng miền Nam, trên trường quốc tế, có lẽ những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung được. Bởi lẽ, chỉ sau một đêm thôi, khi mà tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng Tham mưu... bị tấn công, cả nước Mỹ bàng hoàng, rung động, Tổng thống Johnson trở thành tổng thống chiến tranh bị lên án mạnh mẽ,” Trung tướng Nguyễn Đức Hải phân tích.

Đưa chiến trường vào hậu phương kẻ thù

Được hình thành trong môi trường đô thị, lực lượng đặc biệt này đã gây ra cho kẻ thù bao phen khiếp vía.

Sài Gòn dưới chế độ Mỹ-ngụy là nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch, là căn cứ quân sự lớn của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, vì vậy được Mỹ-ngụy bảo vệ rất cẩn mật.

Không gian bên trong căn nhà số 113A Đặng Dung (phường Tân Định, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) được lưu giữ nguyên vẹn. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Địch tổ chức ra 3 vành đai phòng thủ để ngăn chặn ta từ xa. Bộ binh cơ giới và trực thăng của Mỹ bảo vệ vòng ngoài. Lực lượng chủ lực của ngụy bảo vệ khu trung tuyến.

Vùng ven đô và trong nội thành là mạng lưới cảnh sát, quân cảnh, mật thám, mật báo viên, phòng vệ dân sự gồm hàng chục vạn tên.

Theo tư liệu của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với sự kiểm soát chặt chẽ địa bàn bằng các hoạt động càn quét, lục soát, bắt bớ của địch, ta muốn tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động chiến đấu ở nội đô, đặc biệt là chuẩn bị vũ khí cho kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy là một công tác cực kỳ phức tạp và khó khăn.

Nhưng nếu không làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật tại chỗ sẽ không thể duy trì và phát triển các cuộc chiến đấu ở nội thành, không thể thực hiện được chủ trương chiến lược “Đưa chiến tranh vào trong lòng địch” của Đảng ta.

Trên những hành lang chiến lược nối liền vùng căn cứ giải phóng và từ đất Campuchia vào nội thành Sài Gòn, đơn vị A20, A30 đã xây dựng được các căn cứ xuất phát, cứ bàn đạp, căn cứ bản lề, những điểm nút giao liên, người đầu cầu, hành lang... tương đối vững chắc, an toàn, đặc biệt như các “bàn đạp” Thái Mỹ (Củ Chi), Bàu Mây Tịnh, Tịnh Phong (Trảng Bàng)...

Nhờ công tác tổ chức được tiến hành khẩn trương, chu đáo với tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cách mạng của cán bộ, chiến sỹ biệt động nên đến cuối năm 1965, cả hai đội A20 và A30 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng được một hệ thống kho hầm bí mật chứa vũ khí sát các mục tiêu chiến lược của địch. Mỗi mục tiêu đều được “dành sẵn” từ 1 đến 3 hầm vũ khí.

Các cơ sở cất giấu vũ khí quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân nổi bật như nhà số 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm-hiệu may Quốc Anh của gia đình đồng chí Trần Phú Cường và vợ là Trần Thị Út là chiến sỹ Biệt động phục vụ tiến công Đài Phát thanh Sài Gòn; Kho nhà 438/58 đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), hầm nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu của gia đình anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế) phục vụ tiến công Dinh Độc Lập.

Trong suốt nhiều năm sống trong vỏ bọc là người vợ bé của Anh hùng Trần Văn Lai-chủ thầu khoán làm nội thất cho Dinh Độc Lập, bà Đặng Thị Thiệp đã hết lòng hy sinh, chịu đựng mọi oan trái, hiểm nguy trong lòng địch để bảo vệ cho chồng và đồng đội hoạt động bí mật. Bà đã cùng chồng âm thầm đào hầm, vận chuyển 3 tấn vũ khí phục vụ chiến đấu.

Khi đó bà Đặng Thị Thiệp mới 18-19 tuổi, được chồng chở đi khắp Sài Gòn để tìm mua nhà cho “vợ bé” với yêu cầu căn nhà nhỏ trong hẻm để tránh bị vợ lớn phát hiện.

Thực chất các căn nhà được mua là để đào hầm chứa vũ khí phục vụ các trận đánh theo yêu cầu của cấp trên. “Năm 1965 chồng tôi mua xong nhà và hai vợ chồng cùng đào hầm ròng rã trong vòng một năm, để năm 1966 chuyển vũ khí về theo kế hoạch. Khi đó, chồng tôi với danh nghĩa là nhà thầu trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập nên việc chở vũ khí vào hầm khá thuận lợi, việc đưa vũ khí về hầm được trọn vẹn,” bà Đặng Thị Thiệp nhớ lại.

Ngoài ra, nhiều cơ sở khác cũng được xây dựng tại khu vực trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ như hầm nhà số 348/38B ấp Bác Ái, xã Bình Hòa; hầm nhà số 248/27 đường Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận) và hầm nhà số 281/26/29 đường Trương Minh Ký-Phú Nhuận (nay là đường Lê Văn Sĩ) phục vụ tiến công Bộ Tổng Tham mưu ngụy; hầm nhà 59 đường Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) phục vụ tiến công tòa Đại sứ Mỹ…

Đặc biệt, tiệm Phở Bình số 7 Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng) là Sở Chỉ huy tiền phương của Phân khu 6 ngay trước giờ xuất quân… Số lượng vũ khí mỗi hầm gần 1 tấn, thông thường gồm: 350 kg thuốc nổ TNT hoặc C4; 1 hộp kíp nổ; 10 AK và 3.000 viên đạn; 3 súng ngắn và 200 viên đạn; 2 B40 và 20 quả đạn; 20 quả mìn; 50 lựu đạn...

Việc xây dựng các căn hầm cùng với quá trình tiếp nhận, cất giấu, bảo vệ và bảo quản khối lượng vũ khí trong lòng địch là một chuỗi công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi người thực hiện nhiệm vụ ngoài kinh nghiệm hoạt động mật, trí thông minh phải chấp nhận những hy sinh thầm lặng.

Có thể nói, mỗi căn hầm vũ khí được xây dựng trong nội đô đều là những kỳ công mà trên thế giới không nơi nào làm được./.

Bài 1: Biệt động Sài Gòn - Đội quân chiến đấu trong lòng địch

Bài 3: Lực lượng Biệt động Sài Gòn và những chiến công hiển hách

Bài 4: Biệt động Sài Gòn - Làm tròn sứ mệnh thiêng liêng đối với dân tộc

Xuân Khu-Thu Hoài (TTXVN/Vietnam+)