Khai phá bản thân qua "Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình"
Sách mới của Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy khơi mở người đọc khai phá bản thân qua những tri thức và lý luận triết học, được thể hiện ở dạng những bài phỏng vấn và tiểu luận ở lĩnh vực văn học, giáo dục.
Tiến sỹ Văn học, Triết học Nguyễn Thị Từ Huy vừa cho ra mắt cuốn sách “Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình" tối ngày 30/11, tại Hà Nội. Tác phẩm chọn lọc các bài phỏng vấn do bà thực hiện hoặc trả lời và tiểu luận của bà xoay quanh các vấn đề văn học, giáo dục và triết học.
Một số vấn đề lớn được đưa ra thảo luận có thể kể đến như “Ranh giới cho những khả thể của con người” (Nguyễn Thị Từ Huy phỏng vấn dịch giả Bùi Văn Nam Sơn), "Nhiều người lấy bằng cấp thay cho tri thức” (Nhật Lệ phóng viên Báo Lao động phỏng vấn Nguyễn Thị Từ Huy); các tiểu luận “Thưởng thức nghệ thuật như thế nào?” “Triết học không thể tách rời khỏi nhân cách và tâm hồn”...
Qua 12 bài phỏng vấn và 23 tiểu luận, khán giả được cung cấp các góc nhìn mới trên nền tảng lý luận triết học.
Tiêu đề của sách “Sống là đang trên đường tới cuộc hẹn với chính mình” gợi mở quan điểm về bản dạng con người. Trước những câu hỏi lớn như “Tôi là ai?” tác giả cho rằng con người không có giới hạn hay một bản dạng sẵn có để chờ được khám phá, mà bản dạng đó được xây dựng mỗi ngày từ những suy nghĩ, quyết định, thái độ, hành động… của chính họ.
Vì vậy đáp án chỉ có thể trả lời vào phút cuối của cuộc đời. “Tôi phải đi đến bao giờ mới gặp được chính mình? Lúc nào là lúc tôi mới có thể gặp chính mình? Và chân trời là ở đâu? Thực ra tôi không chỉ trả lời được. Hoặc là chỉ có thể trả lời vào phút cuối, tức là cùng với cái chết,” tác giả viết trong cuốn sách.
Nhưng theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, việc này không có gì đáng bi quan bởi con đường đi tìm cách thức sống, lựa chọn cách dùng thời gian là một hình thức trả lời. “Điểm hẹn chính là đường chân trời, là ranh giới của các mảnh không thể hợp nhất của bản ngã,” bà nhận định.
Bìa cuốn sách do họa sỹ Lê Thiết Cương vẽ, có thể được diễn giải bức tranh như một dòng sông máu, một hiển thị của sự tồn tại, đang sống.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định cuốn sách là lạ lùng với đầy chất thi ca. Ông khuyến khích độc giả và đặc biệt là người viết văn nên đọc cuốn sách để được khai mở đồng thời soi lại và phản biện chính mình.