Chuyển đổi Số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản - Xu thế tất yếu
Chuyển đổi Số báo chí, xuất bản là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra nhằm đổi mới phương thức truyền thông, phát hành, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn.
Ngày 30/11, Báo Nhân dân, Tỉnh ủy Thái Bình, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia "Chuyển đổi Số Báo chí, Xuất bản - Lý luận và Thực tiễn."
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học trong nước, với hơn 60 bài tham luận tập trung xoay quanh nội dung về thực trạng, định hướng, giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi Số Báo chí, Xuất bản thời gian tới.
Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tham luận, tập trung trao đổi, phân tích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của Chuyển đổi Số báo chí, xuất bản ở Việt Nam hiện nay; thực trạng chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí xuất bản, cơ quan quản lý báo chí, xuất bản từ Trung ương đến địa phương hiện nay.
Cùng với đó là đánh giá thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về chuyển đổi số báo chí, xuất bản thời gian qua; vấn đề đặt ra đối với Chuyển đổi Số báo chí, xuất bản cũng như cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước thời gian tới; định hướng, đề xuất giải pháp, khuyến nghị nhằm thúc đẩy Chuyển đổi Số Báo chí, Xuất bản toàn diện, bền vững.
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định Chuyển đổi Số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất.
Chuyển đổi Số không đơn giản là đầu tư thiết bị, công nghệ, phần mềm mà chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên, đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, kinh doanh, vận hành tòa soạn.
Chuyển đổi Số phải đảm bảo chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành. Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số, không ngừng sáng tạo, vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi, tăng cường đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo, xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả.
Ông Lê Quốc Minh cho biết ở lĩnh vực xuất bản, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến Chuyển đổi Số, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước đòi hỏi ngành báo chí, xuất bản phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần đi nhanh, đi trước để thu hút nguồn lực. Đến nay, nhiều khâu của hoạt động báo chí, xuất bản đã tiếp cận ứng dụng công nghệ mạnh mẽ...
Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó, đáp ứng nhu cầu của độc giả, Chuyển đổi Số Báo chí, Xuất bản là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra nhằm đổi mới phương thức truyền thông, phát hành, thực hiện tốt mục tiêu tuyên truyền đúng, trúng, kịp thời, hấp dẫn.
Trong hai năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã tổ chức một số hội thảo khoa học, hội nghị về Chuyển đổi Số báo chí, xuất bản thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí trong cả nước.
Hội thảo khoa học lần này nhằm tạo ra diễn đàn để các nhà quản lý ngành báo chí, xuất bản, chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo đơn vị xuất bản cập nhật thêm nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về Chuyển đổi Số báo chí, xuất bản; phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh Chuyển đổi Số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản Việt Nam thời gian tới.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Thái Bình luôn quan tâm đẩy mạnh Chuyển đổi Số toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, Tỉnh ủy sớm ban hành nghị quyết về đẩy mạnh Chuyển đổi Số.
Tỉnh khuyến khích, xây dựng kế hoạch cụ thể cho các ngành, lĩnh vực và tận dụng cơ hội của sự phát triển của cách mạng 4.0. Trên lĩnh vực báo chí, xuất bản, tỉnh chú trọng đầu tư về con người lẫn cơ sở vật chất, qua đó động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh phấn đấu xây dựng trở thành những cơ quan truyền thông đa nền tảng, đa phương tiện, đẩy mạnh cơ hội để tiếp cận, liên kết tương tác với bạn đọc trên các phương tiện khác nhau, nhất là tập trung cải thiện, nâng cao năng lực về nội dung cũng như công tác quản lý.
Với sự đầu tư đó, lĩnh vực truyền thông nói chung trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ, tiếp cận tốt hơn với người dân trong, ngoài tỉnh và góp phần tạo ra hiệu ứng rất tích cực. Ngoài ra, trên tất cả các lĩnh vực, Thái Bình rất chú trọng công tác truyền thông, điển hình trong công tác Đảng, tỉnh là địa phương đầu tiên xây dựng Sổ tay đảng viên điện tử.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho rằng trên lĩnh vực truyền thông, xuất bản, việc đẩy mạnh Chuyển đổi Số là một hướng đi đúng đắn. Thái Bình luôn kiên trì và mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân dân và các cơ quan Trung ương trong việc đẩy mạnh phát triển, Chuyển đổi Số.
Hội thảo hôm nay là cơ hội để các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn cả nước nói chung, của tỉnh Thái Bình nói riêng có cơ hội trao đổi, học hỏi, lắng nghe và có gợi mở mới cho thời gian tới làm tốt hơn việc Chuyển đổi Số trên lĩnh vực báo chí, xuất bản và tất cả lĩnh vực khác.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng Hội thảo diễn ra trong bối cảnh cả nước đang ở trong năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII. Đại hội đã xác định: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.”
Đây là yêu cầu, nhiệm vụ lớn, có tính chiến lược, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó báo chí-xuất bản vừa là lực lượng tuyên truyền, lan tỏa quyết tâm và tinh thần chuyển đổi số một cách tích cực nhất trong xã hội, vừa là hình mẫu thành công nhất về áp dụng, thực hiện chuyển đổi số. Vì vậy, Hội thảo càng có ý nghĩa và thiết thực trong lộ trình triển khai hiệu quả Chuyển đổi Số lĩnh vựcBáo chí, Xuất bản ở nước ta thời gian tới./.