KDI: Nhu cầu nội địa yếu - lực cản đối với kinh tế Hàn Quốc
Nhu cầu nội địa của Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao. Điều này đang kiềm chế sự cải thiện của các điều kiện kinh tế tổng thể.
Theo Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), mặc dù xuất khẩu ổn định, nhưng nhu cầu nội địa vẫn yếu tại Hàn Quốc đang kiềm chế sự cải thiện của các điều kiện kinh tế tổng thể.
Trong báo cáo đánh giá kinh tế hàng tháng, KDI cho biết nhu cầu nội địa của Hàn Quốc vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mặc dù xuất khẩu tăng trưởng cao. Đánh giá trong tháng này của KDI ảm đạm hơn so với những đánh giá gần đây.
Báo cáo trên cho thấy khi môi trường lãi suất cao vẫn tiếp diễn, nhu cầu trong nước chưa có dấu hiệu phục hồi. Tỷ lệ nợ quá hạn đang tăng lên, trong khi doanh số bán lẻ, đầu tư thiết bị và đầu tư xây dựng đều giảm.
Trong tháng Năm, doanh số bán lẻ, thước đo chi tiêu cá nhân, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 0,2% so với tháng trước đó, chủ yếu do nhu cầu về quần áo và mỹ phẩm yếu đi. Cùng tháng, sản lượng công nghiệp giảm 0,7% so với tháng trước, song tăng 2,2% so với một năm trước. Đầu tư cơ sở vật chất giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4,1% so với tháng trước.
Tháng Năm ghi dấu lần đầu tiên sau 10 tháng các chỉ số sản lượng công nghiệp, bán lẻ và đầu tư cơ sở vật chất đều giảm so với tháng trước.
Không giống với quan điểm của KDI, Chính phủ Hàn Quốc cho rằng nước này đang trên đà phục hồi và nhu cầu trong nước cũng được kỳ vọng sẽ tốt hơn dù có sự điều chỉnh trong tháng Năm.
Về lạm phát, KDI cho biết cả nước đang tiến gần đến mục tiêu 2%. Viện nghiên cứu này nhận định trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu do lãi suất cao kéo dài, lạm phát cơ bản đã lên tới 2,2% trong tháng Sáu.
Theo dữ liệu của chính phủ, trong tháng Sáu, giá tiêu dùng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023./.