IEA: Châu Âu cần cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ ngay lập tức

Theo Giám đốc IEA, trong 3 tháng tới, Liên minh châu Âu (EU) cần tiết kiệm thêm 12 tỷ m3 khí đốt, do đó, bước đầu tiên nhằm lấp đầy dự trữ khí đốt của EU là giảm mức tiêu thụ hiện nay.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu ở Szazhalombatta, cách thủ đô Budapest, Hungary, khoảng 30km về phía Nam, ngày 5/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/7, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo châu Âu cần cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ ngay lập tức trước khi mùa Đông đến.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định châu Âu cần giảm mạnh tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong những tháng tới để chuẩn bị cho mùa Đông dài và khắc nghiệt.

Theo ông Birol, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một số bước tiến trong việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, các chuyến hàng từ Nga - nhà cung cấp quan trọng của EU vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và không loại trừ khả năng bị cắt đứt hoàn toàn.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh nắng nóng gay gắt đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất của EU trong nhiều thập kỷ, khiến nhu cầu về điện tăng mạnh để hạ nhiệt nhà cửa và công sở.

Trong khi đó, nguồn cung điện không đủ đáp ứng do không khí nóng làm giảm điện gió, nhiệt độ nước tăng lên ảnh hưởng đến sản lượng điện hạt nhân và mực nước sông giảm gây gián đoạn nguồn cung cho các nhà máy điện than.

Theo Giám đốc IEA, việc phụ thuộc vào những nhà cung cấp khí đốt thay thế sẽ không đủ. Kể cả khi Na Uy và Azerbaijan vận chuyển hết công suất, nguồn cung từ Bắc Phi chỉ gần mức của năm ngoái, trong khi nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng đã ở mức kỷ lục.

Ông cho rằng trong 3 tháng tới, EU cần tiết kiệm thêm 12 tỷ m3 khí đốt. Do đó, bước đầu tiên nhằm lấp đầy dự trữ khí đốt của EU ở mức phù hợp trước mùa Đông là giảm mức tiêu thụ khí đốt hiện nay, đưa lượng khí đốt tiết kiệm được vào kho dự trữ.

Mặc dù động thái này đang được triển khai do giá khí đốt tăng vọt song EU cần nỗ lực hơn nữa. Ông Birol chỉ ra rằng kể cả khi EU lấp đầy kho dự trữ tới 90%, nguy cơ gián đoạn nguồn cung vẫn ở mức cao nếu Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung.

[Đa số người Đức bày tỏ lo ngại thiếu khí đốt vào mùa Đông]

Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu các dòng chảy khí đốt của Nga ngừng lại trước khi khu vực này kịp đảm bảo mức dự trữ cần thiết.

Dự kiến trong ngày 20/7, EU sẽ lên kế hoạch triển khai loạt hành động khẩn cấp trên toàn bộ nền kinh tế khu vực, bao gồm giảm việc tiêu thụ nhiên liệu để sưởi ấm và làm mát, cùng một số biện pháp thị trường nhằm giảm bớt ảnh hưởng trước nguy cơ Nga ngừng cung cấp khí đốt.

Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký bản ghi nhớ với Azerbaijan nhằm tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt từ quốc gia này lên ít nhất 20 tỷ m3 vào năm 2027.

Trong tuyên bố, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định với thỏa thuận mới này, EU đã mở ra chương mới trong hợp tác năng lượng với Azerbaijan, đối tác then chốt trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga.

Theo EC, Azerbaijan hiện đã tăng lượng khí đốt vận chuyển sang EU từ 8,1 tỷ m3 trong năm 2021 lên 12 tỷ m3 vào năm 2022./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)