Việt Nam-Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy xúc tiến thương mại song phương

Thông qua chương trình xúc tiến này, Đại sứ quán và Bộ Công Thương Việt Nam hy vọng mang đến cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ tìm hiểu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Thúy/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức Việt Nam-Ấn Độ (1972-2022), Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức chương trình xúc tiến thương mại Việt-Ấn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi trực tiếp tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ, New Delhi vào ngày 18/7.

Tham gia chương trình có đại diện các bộ, ngành của hai nước.

Về phía đoàn đại biểu Việt Nam có ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Phi-châu Á, Bộ Công Thương Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu-Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Đỗ Thanh Hải-Tham tán công sứ, ông Bùi Trung Thướng-Tham tán Thương mại cùng đại diện của 20 doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía đoàn đại biểu Ấn Độ có ông Niti Aayog, Đại diện Bộ Thương mại và Công nghiệp, ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhập khẩu Ấn Độ (IICCI), ông Rajeev Pandey-Trưởng phòng châu Á (Kinh doanh Quốc tế), Liên đoàn Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ (FICCI), ông Abhinav Balyan, Chủ tịch & Giám đốc điều hành, Phòng Thương mại, Phát triển Bền vững & Quan hệ Đối ngoại (CCSDFR)…

Sự kiện cũng thu hút sự tham gia của hơn 150 đại diện doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực khác nhau của Ấn Độ.

Các phiên tương tác giữa những doanh nghiệp hai nước đã diễn ra sôi nổi dưới sự dẫn dắt của các nhà lãnh đạo trong ngành như FICCI, Invest India, Phòng Thương mại & Công nghiệp Ấn Độ, Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ, Phòng Thương mại-Phát triển Bền vững và Quan hệ Đối ngoại, APEDA….

Nhân dịp này, đại diện các doanh nghiệp cũng chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ (MoU) giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) với Trung tâm thông tin và tư vấn đầu tư thuộc Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) của Việt Nam.

Chương trình xúc tiến kinh doanh trực tiếp này tạo cơ hội cho các doanh nghiệp từ cả hai quốc gia tương tác 1-1 trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, nội thất gia đình, nông sản...

Đây là các lĩnh vực mà Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển và hợp tác.

Sự kiện là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thêm thông tin về thị trường và đối tác Ấn Độ, qua đó hình thành các mối quan hệ để triển khai nhiều hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Thông qua chương trình xúc tiến này, Đại sứ quán và Bộ Công Thương Việt Nam hy vọng mang đến cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ.

Mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong những năm gần đây, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu nông sản.

Ngoài ra, Đại sứ quán và Bộ Công Thương Việt Nam đang tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ đang thực hiện một số sáng kiến để thu hút hoạt động đầu tư. Những thay đổi gần đây trong chính sách FDI sẽ thu hút các nhà đầu tư với các chính sách thân thiện.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Ấn Độ được định hướng và cải cách với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)