Hội nghị P4G: Con đường hữu hình để các quốc gia hướng tới tương lai xanh

Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 do Việt Nam đề xuất là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu.

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 với chủ đề “Đối tác toàn cầu vì Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã diễn ra hết sức thành công.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm và Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác và phối hợp giữa P4G và các tổ chức, cơ chế quốc tế về tăng trưởng xanh.

Các phiên thảo luận tại hội nghị đã diễn ra sôi nổi, với nhiều ý kiến sâu sắc chia sẻ các bài học quý, những câu chuyện hay, thành công và đề xuất nhiều sáng kiến đột phá cho phát triển xanh.

Chung tay vì một tương lai xanh

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz cho rằng chủ đề của Hội nghị năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là lời khẳng định rằng một quá trình chuyển đổi xanh thành công đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và đa chiều. Có thể nói, chủ đề này phù hợp với mục tiêu cốt lõi của P4G - lấy con người làm trung tâm của sự thay đổi - đồng thời hàm ý giữa chuyển đổi xanh và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz. (Ảnh: ĐSQ)

Dẫn theo các báo cáo gần đây nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), Đại sứ cho rằng nếu không hành động ngay từ bây giờ, biến đổi khí hậu sẽ gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với hành tinh và nhân loại.

Ở cấp độ quốc gia, hậu quả của biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu rõ ràng, kể cả ở Việt Nam. Siêu bão Yagi và các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm 2024 đã gây thiệt hại nặng nề trên diện rộng. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Bão, lũ, hạn hán và sạt lở đất thường xuyên đe dọa sinh kế của người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các vấn đề môi trường khác, chẳng hạn như việc Hà Nội được xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới vào năm 2025.

“Chính vì vậy, để ứng phó hiệu quả với những thách thức toàn cầu, chúng ta không thể tiếp tục đi trên lối mòn cũ. Phát triển bền vững, theo tôi, phụ thuộc vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua hành động tập thể,” Đại sứ Đan Mạch khẳng định.

Theo đó, Chính phủ cần thiết lập những khuôn khổ chính sách mang tính dẫn dắt và dài hạn; doanh nghiệp phải đầu tư vào các giải pháp xanh, trong đó giới trẻ và cộng đồng khởi nghiệp (start-up) cần trở thành lực lượng đầu tàu đưa ra các ý tưởng đột phá.

“Đặc biệt, quan hệ đối tác công - tư đóng vai trò then chốt trong tiến trình hành động vì khí hậu. Chúng ta cần kết hợp nguồn lực, khả năng sáng tạo và quy mô của khu vực tư nhân với sự hỗ trợ chính sách và tài chính từ khu vực công nhằm giải quyết các thách thức phức tạp một cách hiệu quả hơn,” Đại sứ Đan Mạch bày tỏ.

Cùng quan điểm về hợp tác công tư, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar cho rằng điểm khác biệt của P4G so với các sáng kiến khí hậu khác là tập trung vào quan hệ đối tác công-tư và hợp tác quốc tế.

“Thông qua mô hình quan hệ đối tác công-tư sáng tạo, P4G tạo ra những con đường hữu hình để các quốc gia như Việt Nam vượt qua các giai đoạn phát triển thâm dụng carbon,” Đại sứ cho biết.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Đại sứ khẳng định Hà Lan mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam thông qua khuôn khổ P4G, không chỉ bằng cách cung cấp công cụ và nguồn lực phù hợp mà còn chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm về chính sách. Trong đó bao gồm việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan, nhiều doanh nghiệp trong số đó đã tiên phong và ứng dụng các giải pháp bền vững trong các lĩnh vực như quản lý nước, nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn.

“Tôi tin rằng, P4G cung cấp cho chúng ta các công cụ và quan hệ đối tác để biến mục tiêu chung thành hành động, và hơn hết, đó chính là điều mà thế giới cần lúc này,” Đại sứ nhấn mạnh.

Đào tạo nhân lực vì tăng trưởng xanh

Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 do Việt Nam đề xuất là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các đại biểu.

Đại sứ Hà Lan tâm đắc cho rằng “lấy con người làm trung tâm” là cụm từ đơn giản đó nhưng lại thách thức chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về công bằng, công lý và phát triển toàn diện - những câu hỏi mà châu Âu cũng đang trăn trở.

“Tôi tin rằng chủ đề của Việt Nam tạo cơ hội cho tất cả chúng ta suy ngẫm rằng, tham vọng về khí hậu của chúng ta sẽ chỉ thực sự đạt được nếu nó thúc đẩy phẩm giá con người cùng với sức khỏe của hành tinh,” Đại sứ chia sẻ.

Trao đổi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, cho rằng lực lượng lao động xanh là yếu tố nền tảng để thực hiện các mục tiêu khí hậu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này cũng đặt ra những thách thức lớn về năng lực, đòi hỏi xây dựng các mô hình giáo dục linh hoạt, cập nhật và mang tính đổi mới cao.

Các đại biểu tham dự lễ bế mạc Hội nghị thượng đỉnh P4G. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

UNDP ghi nhận Việt Nam đã có nhiều chương trình, sáng kiến mang tính tiên phong hướng tới phát triển bền vững, trong đó đáng chú ý là các chương trình đào tạo nghề xanh, thúc đẩy kỹ năng số và tư duy thích ứng trong giới trẻ.

Về phần mình, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam nhấn mạnh, nguồn nhân lực đóng vai trò cốt lõi trong quá trình tăng trưởng xanh toàn cầu.

UNESCO kêu gọi xây dựng một hệ thống đào tạo nhân lực xanh toàn cầu, tập trung vào phát triển kỹ năng xanh, kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo, cùng tư duy đột phá với lực lượng lao động có năng lực thích ứng.

Từ nay đến năm 2030, UNESCO sẽ tiếp tục đẩy mạnh giáo dục vì phát triển bền vững, trong đó lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường và thích ứng khí hậu vào hệ thống giáo dục chính quy và ngoài nhà trường.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia Abiy Ahmed Ali. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Abraham Tesfaw Wate, Cố vấn các vấn đề về ASEAN, Bộ Ngoại giao Ethiopia tỏ ra tâm đắc với chủ đề “lấy con người làm trung tâm” bởi con người là nhân tố tác động đến biến đổi khí hậu. Do đó, muốn thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu thì phải tập trung vào con người.

Ông Abraham Tesfaw Wate cho rằng nhận thức về các vấn đề môi trường được nâng cao hơn trong lao động sản xuất và mọi hành động của con người thì chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. P4G chính là diễn đàn để các quốc gia chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thực hiện các mục tiêu phát triển xanh, từ đó có thể cùng nhau chia sẻ một tương lai tươi sáng hơn./.