Hội nghị Davos 2024: Mỹ nêu lý do hạn chế Trung Quốc tiếp cận chip tiên tiến
Những biện pháp hạn chế của Mỹ liên quan các sản phẩm bán dẫn đã có “sự loại trừ rộng rãi đối với chip thương mại, loại chip có thể giúp thúc đẩy tiến bộ kinh tế.”
Ngày 16/1, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết những biện pháp của nước này hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến là để bảo vệ an ninh và không làm gián đoạn thương mại.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ), ông Sullivan nêu rõ những biện pháp hạn chế của Mỹ liên quan các sản phẩm bán dẫn đã có “sự loại trừ rộng rãi đối với chip thương mại, loại chip có thể giúp thúc đẩy tiến bộ kinh tế.”
Do đó, đây không phải là biện pháp phong tỏa công nghệ, hay hạn chế thương mại và đầu tư.
Ông Sullivan giải thích mục đích của các biện pháp này là để các đối thủ chiến lược không thể khai thác công nghệ của Mỹ nhằm gây ảnh hưởng an ninh quốc gia của nước này và các đối tác đồng minh.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trước đó cùng ngày, cho rằng các rào cản thương mại “phân biệt đối xử” là mối đe dọa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Xung đột trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã kéo dài hơn 1 năm kể từ khi Washington ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ chip một cách sâu rộng vào tháng 10/2022.
Ngày 17/10/2023, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch ngừng chuyển giao các loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến do Nvidia và nhiều hãng công nghệ của nước này sản xuất cho nước ngoài, đồng thời đưa thêm 2 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen "của Mỹ về sản xuất chip tiên tiến.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định Mỹ không tìm cách gây thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc, mà mục tiêu của kế hoạch trên là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chất bán dẫn có thể thúc đẩy những đột phá trong lĩnh vực AI và các máy tính phức tạp có vai trò quan trọng trong ứng dụng quân sự./.