Con đường tăng trưởng gập ghềnh của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đối mặt với một loạt vấn đề về kinh tế, trong đó có cuộc khủng hoảng ở lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục, tình trạng giảm phát và dân số đang già hóa nhanh.
Với mức tăng trưởng 5,2% cho cả năm 2023, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra trước đó cho cả năm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định năm 2024 có thể sẽ là một năm nhiều thách thức hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Mức tăng yếu nhất kể từ năm 1990
Dù mức tăng trưởng 5,2% nói trên đánh dấu một sự phục hồi mạnh mẽ so với năm 2022, khi kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 3%, nhưng đây vẫn là một trong những số liệu tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong hơn 30 năm qua.
Không tính những năm đại dịch COVID-19 đến hết năm 2022, khi các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã gây gián đoạn cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, thì 5,2% là mức tăng trưởng cả năm chậm nhất của nước này kể từ khi ghi nhận mức tăng 3,9% trong năm 1990.
Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề về kinh tế, trong đó có cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục, tình trạng giảm phát và dân số đang già hóa nhanh.
Sau khi dỡ bỏ các biện pháp này, ban đầu, sự quay trở lại cuộc sống bình thường đã tạo đà phục hồi vào đầu năm, nhưng sự phục hồi này đã sớm mất đà, khi sự thiếu niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp đã phủ bóng lên hoạt động tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao kỷ lục, và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu cũng bào mòn động lực tăng trưởng của Trung Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế phục hồi không đồng đều, dịch vụ là lĩnh vực được hưởng lợi, khi người tiêu dùng quay trở lại các nhà hàng và các điểm du lịch. Nhưng mức chi tiêu vẫn thấp hơn so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Một điểm sáng hiếm hoi khác của kinh tế Trung Quốc là lĩnh vực ôtô. Làn sóng điện khí hóa đã “chống lưng” cho các nhà sản xuất ôtô trong nước, như BYD, công ty đã soán ngôi "gã khổng lồ" Tesla trở thành nhà sản xuất ôtô điện bán chạy nhất thế giới trong quý 4/2023.
Tuy nhiên, các lĩnh vực khác lại đang gặp khó, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp vốn suy yếu do nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước.
Xuất khẩu của Trung Quốc, lâu nay vẫn là một động lực tăng trưởng quan trọng của nước này, đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016 trong năm ngoái.
Sự sụt giảm này một phần là do những căng thẳng địa chính trị với Mỹ và các nỗ lực giảm sự phụ thuộc và Trung Quốc hay đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nước phương Tây. Các vấn đề này đã khiến giới đầu tư e ngại.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc là thị trường sụt giảm mạnh nhất trong năm 2023. Chỉ số CSI 300 tổng hợp 300 cổ phiếu hàng đầu nước này đã giảm hơn 11%, trong khi chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 14%.
Ngược lại, chỉ số chứng khoán quốc tế MSCI World khép lại năm 2023 với mức tăng 22%, mức tăng cả năm mạnh nhất kể từ năm 2019.
Sự hỗ trợ từ chính sách
Phát biểu ngày 16/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết trong năm 2023, kinh tế Trung Quốc nhìn chung đã phục hồi và cải thiện.
Ông Lý Cường đã trấn an các nhà đầu tư quốc tế, vốn đang cẩn trọng với môi trường kinh doanh khó khăn và đà tăng trưởng chậm của nước này.
Thủ tướng Trung Quốc cho biết dù diễn biến kinh tế có nhiều biến động, nhưng xu hướng tích cực trong dài hạn của kinh tế Trung Quốc sẽ không thay đổi. Nhà lãnh đạo này khẳng định: “Đầu tư tại Trung Quốc không phải là một rủi ro mà là một cơ hội.”
Theo ông, cơ hội đó một phần đến từ tầng lớp trung lưu khoảng 400 triệu người và được dự đoán sẽ tăng gấp đôi lên 800 triệu người trong 10 năm tới, chứng tỏ sức tiêu dùng rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đang diễn ra sẽ tạo ra nhu cầu khổng lồ trong các lĩnh vực như nhà ở, giáo dục, y tế và chăm sóc người già.
Ông Lý Cường cho biết vẫn còn gần 300 triệu người Trung Quốc sống ở nông thôn sẽ di cư đến các thành phố.
Nhà lãnh đạo này còn lưu ý đến dư địa đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông và giao thông đô thị tại Trung Quốc còn rất lớn.
Ông cũng cam kết sẽ tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh “hàng đầu” cho các doanh nghiệp quốc tế tại Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Cường khẳng định: “Dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào, thì Trung Quốc vẫn sẽ kiên định với chính sách mở cửa.”
Những bình luận trên của ông Lý Cường được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh những nỗ lực để vực dậy nền kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay lại nước này.
Tăng trưởng có thể giảm tốc
Ông Teeuwe Mevissen, một chuyên gia phân tích của ngân hàng Rabobank, cảnh báo những thách thức trong năm 2023 sẽ tiếp tục trong năm 2024.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại ở mức 4,5% trong năm nay, trong khi các chuyên gia trong khảo sát của hãng tin AFP đưa ra mức dự báo trung bình là 4,7%.
Tương tự, các ngân hàng đầu tư quốc tế lớn dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong năm 2024. Dự đoán trung bình về mức tăng GDP thực tế của Trung Quốc trong năm 2024 từ năm ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs, UBS, Citi, JPMorgan, và Morgan Stanley, là 4,6%. Trong đó, JPMorgan đưa ra mức dự báo cao nhất là 4,9%, và Morgan Stanley dự đoán con số thấp nhất là 4,2%.
Chuyên gia kinh tế trưởng tại Trung Quốc của JPMorgan, ông Haibin Zhu, nhận định một nhiệm vụ quan trọng của Trung Quốc trong năm 2024 là giải quyết những yếu tố gây nguy cơ suy yếu cho nền kinh tế, nhất là rủi ro từ sự điều chỉnh trên thị trường nhà ở và tác động lan truyền của nó.
Các chuyên gia phân tích cho rằng áp lực giảm phát có thể giảm trong năm 2024, với sự phục hồi trong giá hàng hóa toàn cầu và giá thịt lợn trong nước, nhưng tình trạng lạm phát thấp sẽ vẫn kéo dài vì nhu cầu trong nước yếu.
Theo giới chuyên gia, lĩnh vực công nghệ mới và nhiều ngành khác đang phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn chưa đủ để lấn át ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường nhà ở và các lực hãm khác đối với đà tăng trưởng.
Goldman Sachs dự đoán chính sách vĩ mô của Trung Quốc, nhất là của ngân hàng trung ương nước này, sẽ nới lỏng nhiều trong năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế và ngăn không để đà tăng trưởng GDP thực tế giảm tốc quá nhiều.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm 2024, do sự suy yếu trên thị trường bất động sản và nhu cầu quốc tế ảm đạm.
Thủ tướng Lý Cường ngày 16/1 phát biểu tại Davos rằng Trung Quốc sẽ không dùng đến các biện pháp kích thích quá lớn. Ông khẳng định: “Chúng tôi không tìm kiếm sự tăng trưởng ngắn hạn mà làm gia tăng những nguy cơ dài hạn.”
Trong dài hạn, giới phân tích nhìn chung dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc hơn nữa. UBS dự báo tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của nước này sẽ giảm xuống khoảng 3,5% sau năm 2025, một phần do thị trường nhà ở, vốn là yếu tố mà UBS cho là sẽ giới hạn chính sách kích thích của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia của UBS, kinh tế Trung Quốc vẫn có tiềm tăng tăng trưởng, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển của người dân nông thôn ra thành thị, cũng như hoạt động đầu tư vào chế tạo, dịch vụ và năng lượng tái tạo.
Kể cả với mức tăng 3-4%, thì kinh tế Trung Quốc vẫn tăng nhanh hơn các nền kinh tế phát triển. Hồi tháng 10 năm ngoái, IMF dự đoán GDP thực tế của Mỹ sẽ tăng chậm lại ở mức 1,5% trong năm 2024, thấp hơn mức 2,1% trong năm 2023.
Trung Quốc dự kiến sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng mới vào tháng Ba tới./.