Thị trường còn khó khăn, dệt may linh hoạt thay đổi theo tín hiệu thị trường
Vinatex dự báo ngành may từ quý 3/2024 mới có tiến triển tốt, còn ngành sợi qua quý 4 mới có thể phục hồi, do vậy cần làm tốt công tác dự báo, linh hoạt để thay đổi theo tín hiệu của thị trường
Thông tin về hoạt động sản xuất-kinh doanh, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết tất cả các dự báo đưa ra trong hội nghị đều nhận định tình hình thị trường năm 2024 không có nhiều điểm tích cực. Doanh nghiệp cần xác định tâm thế tốt nhất để ứng phó với khó khăn vì quý 1 năm nay sẽ chưa có nhiều triển vọng so với quý 4/2023. Ngành may dự báo từ quý 3 năm 2024 mới có tiến triển tốt. Ngành Sợi qua quý 4 mới có thể phục hồi.
"Trong giai đoạn bất định như vậy cần làm tốt công tác dự báo, bám sát thị trường, linh hoạt để thay đổi theo tín hiệu của thị trường," ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh.
Trong khi đó, dự báo, thị trường dệt may Mỹ có thể tăng trưởng từ 8-10% về nhu cầu. Tổng cầu có xu hướng cải thiện so với năm 2023 nhưng còn nhiều bất định phụ thuộc vào diễn biến thị trường ở Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hơn nữa, ngành dệt may vẫn phải đối diện với 2 thách thức đó là hiệu suất khai thác các nhà máy ở trong nước của Trung Quốc vẫn còn thấp nên về chính sách vĩ mô họ sẽ tăng cường sản xuất trong nước hạn chế nhập khẩu. Đối với ngành sợi kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào mức độ chính sách của Trung Quốc. Giá nguyên liệu bông, xơ sẽ thấp trong nửa đầu năm 2024.
“Những giải pháp và sáng tạo đều đã được áp dụng cho năm 2022, 2023 vì vậy nhiệm vụ trong tâm trong năm 2024 là tập trung thực hiện tốt nhất những giải pháp đã đề ra trên cơ sở tiếp tục theo dõi dự báo tình hình để ứng phó kịp thời,” ông Cao Hữu Hiếu lưu ý.
Để đạt được mục tiêu cao nhất, ông Cao Hữu Hiếu yêu cầu các đơn vị cần chuẩn bị đội ngũ, xây dựng chiến lược bài bản, xác định phân khúc sản phẩm, thị trường và khách hàng mới.
Cùng đó, đảm bảo dòng tiền để giúp các doanh nghiệp có thể cầm cự chờ thị trường quay trở lại. Quản trị chặt chẽ công nợ, cân nhắc thời điểm mua nguyên liệu, bán sản phẩm, xây dựng kế hoạch tài chính là nhiệm vụ cần làm ngay, đồng thời tái cơ cấu khi xác định khó khăn kéo dài, các biện pháp thông thường không hiệu quả thì cần phải rà soát lại cơ cấu mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa lao động gián tiếp, xem xét lại khâu đầu tư đảm bảo hiệu quả cao hơn, đáp ứng tiêu chí Xanh.
“Tìm điểm đột phá xác định rõ đơn vị có khả năng phát triển một dòng sản phẩm chuyên biệt hoặc thị trường mới hay không. Nếu có cần phải hành động quyết liệt, tốc độ để nhanh chóng vươn lên dẫn đầu. Khả năng phát hiện và đón đầu xu hướng luôn là bí quyết của thành công,” ông Cao Hữu Hiếu nói.
Nhìn lại năm 2023, theo đại diện Vinatex, ngành dệt may đã trải qua một năm nhiều khó khăn chưa từng có trong tiền lệ. Bất ổn địa chính trị, lạm phát gia tăng trên toàn cầu khiến tổng cầu dệt may thế giới suy giảm. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam suy giảm mạnh trong năm 2023 do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có dệt may.
Đơn cử, xuất khẩu tại thị trường Mỹ giảm 19%, EU giảm 14%. Ngoài ra, ngành Dệt May Việt Nam còn chịu bất lợi về tỷ giá, chi phí lao động cao hơn nhiều so với các quốc gia cạnh tranh như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia.
Còn tại trong nước, khu vực công nghiệp chỉ tăng 7,3% thấp hơn mức trung bình 11% hàng năm. Đối với dệt may từ tháng 1 giảm 38,5% so với năm 2022 và đến cuối năm thì mức độ giảm còn khoảng 11%. Thị trường có khá lên nhưng chưa bền vững.
Trong bối cảnh đó, Vinatex đã tập trung nguồn lực, đưa ra các phương án kịp thời trong điều hành để duy trì đơn hàng, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và khách hàng. Các doanh nghiệp trong hệ thống nỗ lực, kiên cường bám trụ hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo toàn lao động, giữ thu nhập, giữ vị trí trong chuỗi cung ứng, giữ khách hàng và thị trường.
Kết quả, năm 2023 Vinatex có doanh thu hợp nhất 17.018 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, lợi nhuận 377 tỷ đồng đạt 101,9% kế hoạch./.