Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quyền con người

Theo các chuyên gia, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền con người bảo đảm thực hiện các quyền dân sự, chính trị, KT-XH của nhóm dễ bị tổn thương.

(Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc họp thông tin về công tác nhân quyền do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tổ chức ngày 24/10, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ về định hướng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về quyền con người theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tường Duy Kiên, sau 35 năm đổi mới, Nhà nước đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 - được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến bảo vệ quyền con người.

Cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về quyền con người, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, trong đó có những đạo luật giữ vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế-xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Đánh giá chung về kết quả đã đạt được trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế."

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật về quyền con người nói riêng còn nhiều hạn chế.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ:"Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.”

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn có những điểm hạn chế khá rõ khác đó là sự đa dạng về thể loại văn bản và khổng lồ về số lượng văn bản quy phạm pháp luật.

Trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật về quyền con người phù hợp với các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế, Đại hội nhấn mạnh: "Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững."

Đồng thời “Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.”

Đây là định hướng quan trọng trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tường Duy Kiên cho rằng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 cần tập trung vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật bảo đảm thực hiện các quyền dân sự, chính trị, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, người nghèo).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tường Duy Kiên, Hiến pháp, pháp luật dù có đầy đủ đến mấy nhưng nếu không được tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh thì đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về quyền con người cũng không đi vào cuộc sống.

Do vậy, thượng tôn pháp luật, tăng cường pháp chế, kỷ cương thực hiện Hiến pháp, pháp luật về quyền con người là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Thời gian tới, cần "thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ việc đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật."

Các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, loại bỏ các văn bản trái với các quy định về quyền con người được quy định trong Hiến pháp và luật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người.

Cùng với đó, kiện toàn tổ chức, bộ máy thi hành pháp luật, xác định rõ, cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, thực hiện việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong bảo vệ quyền con người; chú trọng công tác tiếp công dân gắn với công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quyền con người, thực hiện trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Ngoài ra, tăng cường vai trò của luật sư, phát triển đồng bộ các dịch vụ pháp lý nhằm nâng cao năng lực tiếp cận công lý, tiếp cận pháp luật về quyền con người của người dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác hợp tác quốc tế về pháp luật và tư pháp trên lĩnh vực quyền con người./.