Hóa giải thách thức, chung sức đồng lòng vì một Việt Nam phát triển
Nghị quyết 30 đã định khung, định hình, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, góp phần làm thay đổi cục diện chống dịch.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đi qua gần nửa chặng đường. Nhìn lại con đường gập ghềnh, đầy gian nan đã qua, có thể thấy Quốc hội đã thể hiện rõ vai trò chủ động, quyết đoán của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, chung sức đồng lòng cùng cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nỗ lực đưa đất nước vượt qua thách thức, ứng phó linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với dịch bệnh, nhanh chóng thoát ra khỏi ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết: “Hóa giải thách thức, chung sức đồng lòng vì một Việt Nam phát triển," để khắc ghi những thời điểm mấu chốt, những quyết sách quan trọng của Quốc hội trên chặng đường đồng hành, phát triển cùng đất nước.
Bài 1: Khi nghị quyết “đi trước, mở đường”
Bước vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là lúc nước ta đang trải qua những tháng ngày căng thẳng của làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19.
Nếu như ngày 2/6/2021, Thành phố Hồ Chí Minh mới ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 thì đến ngày 30/7, số tử vong đã chạm mốc 1.000 người và tăng nhanh từng ngày.
Không ai hình dung được Thành phố Hồ Chí Minh - "đầu tàu kinh tế" năng động với hệ thống y tế mạnh nhất cả nước lại trở thành mặt trận khốc liệt nhất. Các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Người dân cả nước hướng về Thành phố Hồ Chí Minh với sự sẻ chia, đau xót, thương yêu và mong mỏi sớm phục hồi trở lại.
Dịch sau đó lan rộng ra vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều tỉnh, thành phố triển khai Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, tạo “làn sóng” dịch chuyển về quê của hàng trăm ngàn người lao động.
6h sáng 24/7, Hà Nội thực hiện phong tỏa với việc áp dụng Chỉ thị số 16 trên toàn địa bàn thành phố. Mọi hoạt động của người dân và doanh nghiệp bị xáo trộn. Hàng hóa ách tắc, không lưu thông được, các chuỗi cung ứng đe dọa bị đứt gãy… Yếu tố bất định, khó lường của dịch bệnh làm nền kinh tế trong nước chao đảo.
Hội trường Diên Hồng những ngày tháng Bảy
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Các cơ quan hữu quan, bộ, ngành, địa phương vẫn phải tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch.
Sức nóng đại dịch lan vào nghị trường. Quốc hội đứng trước ba yêu cầu lớn: bảo đảm an toàn phòng, chống dịch nhưng vẫn phải hoàn thành các công việc quan trọng của kỳ họp, đồng thời phải đưa ra những quyết sách đủ mạnh để đủ sức chống đỡ với làn sóng dịch bùng phát.
Ngay tại Kỳ họp thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường với 5 bộ trưởng của Chính phủ, đề nghị báo cáo các vấn đề liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19 để đưa ra Quốc hội thảo luận, có các quyết sách mạnh hơn nữa, trong điều kiện khẩn cấp.
Thông điệp về một Quốc hội chủ động, vào cuộc từ sớm, từ xa, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhắc đến.
Ở vào tình thế “nước sôi, lửa bỏng” ấy, với yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, Chính phủ đã nhanh chóng trình Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác này.
Thể hiện sự phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc ngày đêm, ngoài giờ, không có ngày nghỉ, kịp thời đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV những nội dung quan trọng để Chính phủ tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình trạng khẩn cấp, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.
Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất đã thực sự trao quyền chủ động hơn, mạnh mẽ hơn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi cho phép áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, các biện pháp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, các biện pháp khác với quy định của luật hoặc chưa được luật hiện hành quy định trong những trường hợp cần thiết.
Kỳ họp đã kết thúc sớm 3 ngày so với chương trình được thông qua, tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Nghị quyết quan trọng góp phần thay đổi cục diện chống dịch
Có thể thấy, những thách thức đầu nhiệm kỳ mà Chính phủ phải đương đầu là vô cùng lớn. Phát biểu nhậm chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 26/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc” và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân; nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vaccine; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân” của nhân dân để chống dịch thành công. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Nói đi đôi với làm, những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến “luồng xanh” vận tải, giấy xét nghiệm COVID-19 đã được lãnh đạo Chính phủ khóa mới gỡ rối ngay bằng hàng loạt văn bản chỉ đạo loại bỏ các "giấy phép con" làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một tuần sau đó, những địa phương có tư tưởng “ngăn sông, cấm chợ” đã phải thay đổi chính sách phòng, chống dịch “cực đoan," tạo điều kiện cho doanh nghiệp trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường, ổn định.
[Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30 về chính sách phòng, chống dịch]
Ngay sau khi Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất được ban hành, ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phòng, chống dịch và phương án tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được Quốc hội khóa XV quyết nghị.
Chính phủ cũng đã khẩn trương triển khai, sớm xây dựng và trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch.
Trên cơ sở đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần tích cực, khẩn trương, đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường vào chiều tối 6/8 để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này.
“Chúng ta cần phải có một nghị quyết để cộng đồng trách nhiệm, là chỗ dựa pháp lý vững chắc để Chính phủ, các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch," Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Sau cuộc họp khẩn đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, có tới 3/4 quy định mới khác với luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện, nhằm sớm ngăn chặn, kiểm soát được đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố lớn, như ngân sách nhà nước chi trả chi phí chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19; Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố được quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 và quyết định này đồng thời là giấy phép hoạt động; Chính phủ được quyền giao Bộ Y tế quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giao Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân và báo cáo Hội đồng Nhân dân tại kỳ họp gần nhất. Điều này khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, song trong giai đoạn cấp thiết đó, quy định trên là cần thiết để bảo đảm phù hợp với bối cảnh rất nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội.
Nghị quyết 30/2021/QH15 đã “đi trước, mở đường” cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP với các giải pháp trọng tâm và có tính thực tiễn cao, sâu sát từng vấn đề trong công tác phòng, chống dịch.
Nói như đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, “đây là một nghị quyết tổng hợp nhất từ Chính phủ về phòng, chống COVID-19, đề cập nhiều vấn đề, từ công tác tổ chức, các hoạt động chuyên môn, kinh phí… đến cơ chế hoạt động, phân công trách nhiệm rất rõ ràng. Nghị quyết đã mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch."
[OECD dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2023]
Chính phủ ban hành thêm 1 nghị quyết và 2 nghị định, Bộ Y tế đã ban hành 2 thông tư để quy định các biện pháp và tổ chức thực hiện. Nhiều chỉ thị, công điện, công văn của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng được ban hành và triển khai nhanh chóng.
Nhờ các chính sách đặc biệt này, tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã nhanh chóng được kiểm soát, làn sóng dịch thứ 4 bị chặn đứng, nền kinh tế đã và đang có sự phục hồi ấn tượng.
Giờ đây, nhìn lại những đề xuất của Chính phủ và quyết đáp mạnh mẽ của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, ban hành các quyết định quan trọng, giải pháp sáng tạo, giúp công tác kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả.
Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm, trao quyền cho Chính phủ. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cả hệ thống chính trị và người dân Việt Nam trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế đồng tình ủng hộ, huy động được tổng lực tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
“Nghị quyết 30 đã định khung, định hình, tạo hành lang pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, táo bạo, hiệu quả, góp phần quyết định làm thay đổi cục diện chống dịch," đại biểu Mai nói.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30 nhìn nhận: Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của nhân dân, tích cực, chủ động đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thể chế, cùng Chính phủ triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch theo phương châm đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.
Đây là quyết định đúng đắn, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tế, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trước nhân dân; khẳng định Quốc hội luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
Nghị quyết 30 - nghị quyết đặc biệt của những chính sách đặc biệt - là bước khởi đầu cho hàng loạt quyết sách tiếp theo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với những nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các luật hiện hành, hay nói cách khác là những quy định “xé rào” khi thực tiễn cuộc sống đang đòi hỏi hết sức cấp bách./.
Bài 2: Những quyết sách đặc biệt từ các kỳ họp bất thường