Hóa giải 'căn bệnh' sợ trách nhiệm: Loại bỏ tâm lý không làm-không sai
Một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ "giảm lửa" đến "tắt lửa," từ dấn thân đến phòng thân, những người dám làm chưa được trao 'thượng phương bảo kiếm."
Chưa khi nào, tăng trưởng kinh tế của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có những “đầu tàu” kinh tế của cả nước gần như đứng im, thậm chí âm trong quý 1/2023.
Tại các địa phương đang xuất hiện tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cán bộ sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm.
Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tê liệt bộ máy hành chính công, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đồng thời “bào mòn” tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Từ trì trệ đến đình trệ
E dè, né trách nhiệm, sợ sai đã thành “bệnh” trong một bộ phận cán bộ, công chức. Thậm chí, nhiều cán bộ còn có tâm lý "thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử." Tâm lý này đang làm trì trệ sự phát triển ở các địa phương, kéo lùi tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, được nhắc đến là một thành phố năng động, sáng tạo, với đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động, đột phá vì lợi ích chung… Thế nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 của thành phố sụt giảm, chỉ đạt 0,7%, xếp thứ thứ 56/63 địa phương.
Tổng kết quý 1/2023, tình hình đầu tư công của Thành phố Hồ Chí Minh khá thấp, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 2% tổng số vốn được giao.
Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, dẫn đến thành phố không dám quyết, dám làm, việc trong thẩm quyền nhưng vẫn phải hỏi xin ý kiến Trung ương.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Đáng lưu ý là hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện đó đã kìm hãm sự phát triển của thành phố.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thì chỉ rõ tình trạng “ba không” đang diễn ra ở thành phố: không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm không chỉ là chuyện riêng của Thành phố Hồ Chí Minh mà diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, từ Trung ương đến địa phương. Có thể nói, cụm từ “sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro dẫn đến cán bộ, công chức không dám quyết, dám làm” chưa khi nào lại xuất hiện với tần suất dày đặc như hiện nay.
Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng có tiền mà không tiêu được, nhiều cơ quan, đơn vị tỷ lệ giải ngân đầu tư công chỉ bằng 0%, trong khi đây là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, tính tới tháng 4/2023, có 47/52 bộ, cơ quan Trung ương và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt dưới 15%; trong đó có 32 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương giải ngân đạt dưới 5% kế hoạch. Đây là mức thấp đáng lo ngại đe dọa đến tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ đầu tư công, trong nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế cũng đang xuất hiện sự trì trệ như: tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế ở các bệnh viện chậm khắc phục hay “băng giá” bất động sản…
Ở lĩnh vực xây dựng, bất động sản, theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trên thị trường có trên 1.000 dự án đầu tư “đắp chiếu," giá trị ước tính trên 30 tỷ USD. Ông Đính cho rằng đây là con số rất lớn, nếu được khơi thông sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Sự co cụm, sợ sai trong hoạt động công vụ dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, cá biệt có nơi rất trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được nêu ra để giải thích cho các vấn đề dẫn đến trì trệ của nền kinh tế trong thời gian vừa qua.
Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Lê Quốc Hùng cho rằng: “Chúng ta không thể đổ lỗi do xử lý mạnh tay tội phạm tham nhũng dẫn đến tình trạng này. Không có việc hình sự hóa các vụ việc hành chính mà xử lý rất hợp tình, hợp lý."
Theo Trung tướng Lê Quốc Hùng, có những việc đáng lẽ ra theo thẩm quyền, quy chế làm việc đã được quyết nhưng các cơ quan, đơn vị vẫn máy móc lấy ý kiến rất nhiều bộ, ban, ngành.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến đùn đẩy, né tránh, không dám tham mưu, đề xuất, không dám quyết định ngày càng có chiều hướng gia tăng, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng trước tiên do pháp luật còn nhiều kẽ hở, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng.
Theo ông Tiến, một số trường hợp vướng vòng lao lý khiến cán bộ từ trì trệ đến đình trệ, từ "giảm lửa" đến "tắt lửa," từ dấn thân đến phòng thân, những người dám nghĩ, dám làm chưa được trao “thượng phương bảo kiếm," từ đó dẫn đến thực trạng cấp dưới không dám tham mưu, còn cấp quyết định lại không dám quyết.
Ông Nguyễn Văn Đính cũng cho rằng: “Có quá nhiều quy định, rào cản dẫn đến cán bộ rất lúng túng, không biết phải xử lý thế nào, sờ đến công đoạn nào cũng có vấn đề khó, rất khó xử lý… Chúng ta đang trong 'rừng' quy định, nhiều quy định bổ sung, quy định sau khó hơn quy định trước dẫn đến cán bộ rất sợ."
Còn theo tiến sỹ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, không dám ký văn bản thường ở các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: đấu thầu, đầu tư, quản lý đất đai… Nguyên nhân do trình độ, năng lực yếu kém, lại lo sợ trách nhiệm dẫn tới tình trạng co cụm, làm cầm chừng. Đặc biệt, ở những nơi có cán bộ lãnh đạo vi phạm, vướng vòng lao lý, nỗi sợ càng lớn hơn.
Trong khi đó, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ, đặc biệt là thiếu các cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá có sai sót.
Vậy nên việc cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để “hóa giải” nỗi sợ sai, sợ rủi ro là điều hết sức cần thiết.
Hóa giải "căn bệnh" sợ trách nhiệm
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, "cú sốc" và những "sang chấn" từ đại dịch COVID-19 thời gian qua cũng được nhìn nhận tác động không nhỏ đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Mặt khác, truyền thống, bản sắc sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của bộ máy chính quyền, doanh nghiêp và người dân Tp. Hồ Chí Minh đã bị mai một và thay thế bằng "tư duy phòng thủ," tâm lý "không làm, không sai."
Người dân, doanh nghiệp và tất cả những ai quan tâm đến đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đều đang rất trông chờ vào một "cú hích mạnh" về sự thay đổi của bộ máy chính quyền với tư duy đổi mới, quyết đoán, sáng tạo, "dám nghĩ, dám làm" và cả "dám nói" như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh Ban Thường vụ Thành ủy thành phố vừa qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao tinh thần trách nhiệm, cộng với các biện pháp về cán bộ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc; động viên, khuyến khích người dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thủ tướng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan đến cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp lại cho phù hợp với khả năng, năng lực, cũng như nhiệt huyết; xử lý người vi phạm và kịp thời khen thưởng những người có thành tích.
"Thành phố phải rà soát lại công tác cán bộ, tiến hành điều chuyển, thay đổi, xử lý tránh hai khuynh hướng sợ trách nhiệm không dám làm, hoặc tiêu cực, tham nhũng, những vụ việc kéo dài," Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, để lấy lại đà tăng trưởng, Thành phố Hồ Chí Minh cần sự thay đổi mang tính đồng bộ, cả về động lực tăng trưởng và tính hiệu quả của bộ máy hành chính công.
Vấn đề cấp bách trước mắt là phải tháo được điểm nghẽn về đầu tư công cho từng dự án cụ thể, xác định rõ vướng mắc ở đâu, trách nhiệm của ai, thẩm quyền cấp nào để giải quyết một cách ráo riết. Nếu đó là trách nhiệm của cán bộ cấp thành phố, không xong việc thì thay người. Có như vậy mới tạo ra sự chuyển động cho các dự án và chấn chỉnh tình trạng chùng lại trong bộ máy công quyền.
Từ góc nhìn của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, có thể nói, các cơ chế, chính sách dù có vượt trội, đột phá đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu thiếu đội ngũ nhân sự vận hành đủ tầm thì cũng khó bứt phá mạnh mẽ như kỳ vọng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 365/CĐ-TTg ngày 4/5 chỉ đạo khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Công điện của Thủ tướng cũng nêu rõ: không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến.
Những thông điệp mạnh mẽ trên thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong giải quyết khó khăn, vướng mắc đến từ sự trì trệ trong quản lý điều hành ở các bộ, ngành, địa phương. Đây là sự chỉ đạo rất cần thiết trong giai đoạn này để khắc phục việc không dám làm, sợ trách nhiệm, đùn đẩy và né tránh... trong một bộ phận cán bộ, công chức của bộ máy hành chính công.
Để hóa giải “căn bệnh” sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức, ông Lê Như Tiến cho rằng cần sớm hoàn thiện thể chế, khắc phục chồng chéo trong các quy định pháp luật. Thậm chí có thể xây dựng “quỹ bảo hiểm rủi ro,” giống như trong nghiên cứu khoa học, trong thám hiểm để những người dám nghĩ, dám làm được bảo vệ, yên tâm dấn thân, yên tâm công tác.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã đến lúc phải có chế tài đối với những cán bộ, công chức không dám làm, không dám hành động. Hành vi không hành động, không giải quyết kịp thời các vấn đề trong thẩm quyền cũng bị coi là vi phạm và phải chịu chế tài.
Về dài hạn, ông Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng cần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở cân đối giữa tự do và điều chỉnh, giữa luật khung và luật chi tiết. Xu thế lạm dụng chính sách để điều chỉnh đang bị lạm dụng. Pháp luật điều chỉnh càng nhiều thì không gian cho đổi mới và sáng tạo càng ít; chi phí tuân thủ tăng cao; các tiềm năng của đất nước bị trói chặt./.