Hội Trí thức Việt tại Hungary bàn về cơ hội và thách thức của Việt Nam
Buổi hội thảo bàn về cơ hội và thách thức của Việt Nam do Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary tổ chức thu hút khoảng 80 thành viên tham dự, đa phần là các trí thức có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary tổ chức hội thảo về các nội dung Việt Nam-đất nước, con người; những thách thức và cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, đời sống trong thời đại cách mạng công nghệ số.
Buổi hội thảo kéo dài 4 giờ thu hút khoảng 80 thành viên tham dự, đa phần là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, cựu sinh viên... có nhiều đóng góp cho cộng đồng.
Mở đầu hội thảo, các đại biểu lắng nghe phần trình bày đặc biệt về những năm tháng ở Việt Nam của nguyên Đại sứ Hungary tại Hà Nội, nhà xã hội học, nhà hoạt động công đoàn, luật gia Őry Csaba, người đã có 18 lần đến Việt Nam trong hơn 3 thập niên qua.
Coi Việt Nam như quê hương thứ hai và dành nhiều thiện cảm cho mảnh đất này, vị cựu chính khách, đại biểu Quốc hội Hungary và EU chia sẻ ông cảm nhận người dân Việt Nam nỗ lực rất lớn để đạt được thành quả như mong muốn và sau cố gắng của mỗi người là gia đình, xã hội, cộng đồng... khiến không ai bị lẻ loi.
[Ngày Văn hóa Việt Nam ghi ấn tượng sâu đậm tại Hungary]
Mừng sinh nhật lần thứ 70 đúng vào ngày diễn ra cuộc hội thảo, ông Őry Csaba cho hay ông theo dõi sự phát triển của Việt Nam những năm gần đây, vui mừng với những thành công và âu lo với những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt nhưng ông tin tưởng vào những gì Việt Nam sẽ đạt được. Việt Nam giờ đã trở thành quê chồng của con gái ông - họa sỹ nổi tiếng Őry Annamária.
Phần sau của buổi trao đổi là hai đề tài có sự liên quan khăng khít “Cách mạng công nghiệp 5.0: Những cơ hội và thách thức” và “Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hằng ngày,” do Phó giáo sư-tiến sỹ Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Viện Fintech (Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus, Budapest) và kỹ sư Phan Anh Sơn, chuyên gia tin học tại Tập đoàn Nokia trình bày.
Vừa trở về sau chuyến thăm Trường Sa, tiến sỹ Trịnh Anh Tuấn mở đầu phần thuyết trình với cảm tưởng về kỷ niệm đáng nhớ đó và sự cảm nhận về tầm quan trọng của yếu tố con người trong cách mạng 5.0.
Nếu như phần trình bày của Tiến sỹ Trịnh Anh Tuấn nhắc nhiều đến mặt lý thuyết của vấn đề thì kỹ sư Phan Anh Sơn lại mở đầu với những ứng dụng thực tiễn của “trí tuệ nhân tạo” đã được sử dụng lâu nay trong nhiều mặt của đời sống, trước khi ChatGPT xuất hiện. Bài nói chuyện cũng đi sâu phân tích khả năng áp dụng thực tế của AI.
Thời gian qua, Hội Trí thức Việt Nam tại Hungary đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ song phương, các đề án hợp tác giữa Hungary và Việt Nam về khoa học, công nghệ, văn hóa và giáo dục, hỗ trợ cộng đồng trong các vấn đề giáo dục tại Hungary./.