Hòa bình qua con mắt người “chết đi sống lại” vì di chứng chiến tranh
Rung động trước câu chuyện của Nguyễn Đức (cặp sinh đôi dính liền Việt-Đức), một nhà sản xuất Nhật Bản đã quyết định đưa câu chuyện của anh lên phim nhằm truyền thông điệp hòa bình ra thế giới.
Năm 2024 sẽ có một phim tài liệu được ra mắt về Nguyễn Đức - người em trong cặp sinh đôi dính liền Việt-Đức từng gây chấn động tại Việt Nam và nước ngoài từ hơn 35 năm trước.
Bộ phim là ý tưởng của một nhà sản xuất người Nhật, xoay quanh thông điệp hòa bình mà anh Đức - một chứng tích sống của chiến tranh - mang theo. Đây cũng là sản phẩm bồi đắp thêm mối thâm tình giữa nhân dân hai nước - mối thâm tình ra đời từ cuộc mổ tách song sinh dính liền thành công đầu tiên tại Việt Nam, hiếm hoi trên thế giới.
Câu chuyện cổ tích chưa kết thúc
“Doku movie” là cái tên tạm thời mà nhà sản xuất người Nhật Ruth Yoshie Linton dùng để gọi bộ phim. “Doku” là phiên âm tiếng Nhật cho tên Đức.
Từ năm 7 tuổi, Ruth đã biết đến câu chuyện của Việt-Đức qua vô tuyến, báo đài ở Nhật Bản. Đó là tấm gương về nghị lực, tinh thần đáng quý vươn lên trong nghịch cảnh. “Nhiều thế hệ học sinh đều biết chuyện của hai anh. Đức giống như một nhân vật lịch sử vì anh ấy xuất hiện trong cả sách giáo khoa của học sinh Nhật Bản,” Ruth kể.
Năm 1981, hai anh em Việt-Đức ra đời tại Kon Tum. Cơ thể hai đứa trẻ bị dính liền do ảnh hưởng của chất độc da cam, có chung ổ bụng và một đôi chân. Khi điều kiện sức khỏe ngặt nghèo đe dọa tính mạng cả hai, Việt-Đức buộc phải được tách rời để có thể sống.
Năm 1988, một ê-kíp hơn 70 y bác sỹ hai nước Việt-Nhật đã dồn sức nghiên cứu phương án tối ưu và tiến hành mổ. Ca phẫu thuật thành công đã cứu cả hai, tạo nên kỳ tích y học ở tầm quốc tế, bởi trước đó trên thế giới chỉ có 6 ca song sinh dính liền từng được mổ tách rời.
Nhiều năm sau, Nguyễn Việt do quá yếu nên qua đời, chỉ còn lại Nguyễn Đức với những nỗ lực không ngừng nghỉ để sống một cuộc đời ý nghĩa. Vì thế với Ruth, cuộc đời của Nguyễn Đức là “câu chuyện cổ tích vẫn còn đang tiếp diễn.”
Chứng kiến xung đột giữa Nga và Ukraine cùng nhiều cuộc chiến khác, Ruth sục sôi ý định làm một bộ phim mang thông điệp hòa bình. Với bộ phim, chị chọn Nguyễn Đức - người bạn Việt Nam đặc biệt mà chị có cơ hội gặp và làm quen 10 năm trước đó – làm người truyền thông điệp ấy. Ruth sau đó đã tìm đạo diễn, quay phim, dựng phim… để tiến hành thực hiện tác phẩm.
Trong khi truyền thông hai nước đã khai thác câu chuyện của Đức nhiều lần, đến nỗi dường như không còn thông tin, khía cạnh nào chưa được công bố, Ruth chọn đi lối riêng: Chị sẽ kể về Nguyễn Đức như một người đang sống, chứ không phải một nhân vật lịch sử chỉ thở hơi thở quá khứ.
“Tôi muốn kể chuyện ngày nay anh sống ra sao, thế giới trông như thế nào qua con mắt của anh, khi không có chiến tranh… ” nhà sản xuất này chia sẻ.
Lời nhắn nhủ của Nguyễn Đức
Trong ký ức của anh Đức, những lần ra vào phòng mổ là những ngày đau đớn không thể quên. Cuộc mổ tách giúp Nguyễn Đức như được sinh ra một lần nữa, nhưng không bao giờ có thể vô tư sống khỏe như người bình thường.
Từ sau cuộc đại phẫu cho đến nay, Nguyễn Đức vẫn phải nhiều lần đã phải ra vào bệnh viện để chữa trị nhiều biến chứng liên quan. Tính ra không dưới 10 lần phải “xẻ da, cắt thịt,” lần nào với anh cũng như “chết đi sống lại.”
Anh sống với một quả thận và những nội tạng được nhường lại từ người anh quá cố. Mỗi lần bị tiêm thuốc mê để phẫu thuật là thêm một lần gia đình sợ anh chịu tác dụng phụ giảm tuổi thọ. Với thể trạng hạn chế, anh từng nhiều lần chia sẻ ước mong lớn nhất là được thấy hai con tới năm 18 tuổi, trở thành người trưởng thành, có ích cho xã hội.
Trải qua và vẫn đang sống cùng nhiều gian khó, gập ghềnh, Nguyễn Đức luôn tâm niệm phải sống thật có ích, không dựa dẫm. Anh là trụ cột của gia đình 5 người, là Đại sứ Hòa bình giữa hai quốc gia Việt-Nhật, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu Nghị Việt Nhật Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ trách Ban Đối Ngoại) 2023 – 2028, Giáo Sư trường Đại học Quốc tế Hiroshima... Anh còn sáng lập Tổ chức NPO Duc Nihon - Vì Một Thế Giới Đẹp Tươi đến nay vẫn không ngừng góp sức trong các hoạt động xã hội giúp gắn kết người dân hai nước.
Anh thường xuyên được mời làm diễn giả tại Nhật Bản, đặc biệt ở các trường học. Các cuộc nói chuyện vẫn xoay quanh anh và quá khứ của anh, nhưng không ít lần Nguyễn Đức phải sững sờ trước các câu hỏi của các bạn học sinh.
Những câu như: Anh có cực khổ không, có hận thù những người đã gây ra đau đớn cho anh không? Hay anh học được gì từ câu chuyện của chính mình… khiến anh suy ngẫm rất nhiều, cả về cách trả lời để phù hợp hoàn cảnh, cả về trách nhiệm phải chia sẻ điều có ích cho những bạn trẻ đang từng bước trưởng thành trong cuộc sống của riêng mình.
Qua bộ phim, Nguyễn Đức hy vọng khán giả hiểu rõ giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do và hạnh phúc khi không có chiến tranh. Một nhóm đối tượng quan trọng mà phim hướng đến, không ai khác, chính là những người trẻ tuổi.
“Dù bạn là ai, dù có như thế nào, cũng nên dành công sức bảo vệ Tổ quốc, làm điều có ích cho xã hội. Sát sườn nhất là hãy làm thật tốt công việc của mình, giúp đỡ những người bất hạnh quanh mình… Chính những việc đó sẽ mang lại hạnh phúc cho các bạn,” Nguyễn Đức nói.