Hòa Bình: Huyện vùng cao vượt bão lũ, đảm bảo cho học sinh đến trường
Trong thời gian trường học phải đóng cửa để ứng phó nguy cơ thiên tai, học sinh tại 2 điểm trường xóm Rằng được về học ghép tại điểm trường thuộc xóm Sơn Phú, cách xóm Rằng gần 10km.
Tại tỉnh Hòa Bình, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã để lại ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó có giáo dục và đào tạo.
Toàn ngành giáo dục đang chung tay, góp sức, đồng lòng khắc phục những hậu quả do cơn bão gây ra để sớm ổn định việc học tập, thực hiện nhiệm vụ năm học. Đặc biệt, tại huyện vùng cao Đà Bắc, chính quyền và người dân cùng đồng lòng vượt qua bão lũ, đảm bảo chất lượng chương trình dạy và học của giáo viên, học sinh.
Quyết không để học sinh nghỉ học
Đà Bắc được biết đến là huyện khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình. Trải qua cơn bão số 3, huyện là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Huyện đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi một loạt các điểm mới xuất hiện dấu hiệu sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân địa phương.
Sau khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo về rủi ro sạt lở đất tại khu vực đồi Ao Ếch ngay phía sau xóm, đánh giá đây là điểm sạt lở nguy hiểm khó lường, chính quyền xã Cao Sơn và huyện Đà Bắc lập tức quyết định sơ tán nhân dân khỏi vùng nguy hiểm.
Từ 14 giờ ngày 13/9, 30 hộ dân với 126 nhân khẩu thuộc xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc phải khẩn cấp sơ tán, vì nhà cửa nằm trong vùng có nguy cơ rất cao bị sạt lở đất; đồng thời tạm dừng hoạt động của hai điểm trường Mầm non và Tiểu học tại xóm Rằng.
Thời điểm 2 điểm trường phải tạm dừng hoạt động, vừa cách thời gian khai giảng năm học 2024-2025 đúng một tuần lễ. 12 học sinh bậc mầm non và 32 học sinh bậc tiểu học có nguy cơ phải nghỉ học kéo dài.
Tuy nhiên, với quyết tâm không để học sinh phải dừng việc học trong thời gian trường học phải đóng cửa để ứng phó nguy cơ thiên tai…, các cấp chính quyền xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, đặc biệt là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp kịp thời, bố trí học sinh tại 2 điểm trường xóm Rằng về học ghép tại điểm trường thuộc xóm Sơn Phú, cách xóm Rằng gần 10km. Đây là điểm trường gần nhất và thuận lợi đi lại cho phụ huynh và học sinh của xóm Rằng.
Ông Ngô Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn cho biết sau khi xác minh, nắm rõ thông tin về hiện trạng nguy cơ sạt trượt trên địa bàn xóm Rằng, chính quyền địa phương đã kịp thời xuống địa bàn cùng nhân dân di chuyển tài sản ra khỏi khu vực sạt lở, đồng thời, sắp xếp học sinh các khối điểm trường xóm Rằng, tập trung lên điểm trường Sơn Phú, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn nhằm đảm bảo không bị gián đoạn thời gian học tập của học sinh xóm Rằng.
Theo chân ông Cường, chúng tôi vào thăm lớp 1+2, do cô giáo Vũ Thị Minh Duyên chủ nhiệm. Cô Duyên cũng là cô giáo chủ nhiệm cũ của lớp tại điểm trường xóm Rằng, được chuyển lên điểm trường mới và tiếp tục đứng lớp. Trong không khí lớp học vui tươi, cả cô và trò đều phấn khởi, yên tâm học tập.
Ông Đỗ Đức Thành, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc, cho biết đến nay, các học sinh xóm Rằng đã được đảm bảo về trang thiết bị để tiếp tục chương trình học tập theo đúng quy định. Đồng thời, ngành giáo dục huyện sẽ hỗ trợ, cung cấp, bổ sung những vật dụng cần thiết cho các em được học tập tốt nhất.
Đảm bảo cho học sinh "đủ thực để vực đạo"
Ngay sau khi thực hiện việc học ghép điểm trường xóm Rằng về điểm trường Sơn Phú, 15 học sinh mầm non đã được bố trí học tại điểm trường chính Mầm non Cao Sơn và được hưởng chế độ bán trú theo đúng quy định dành cho học sinh mầm non.
Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với nhu cầu bán trú và ăn trưa của 32 học sinh khối tiểu học học 2 buổi/ngày, có nhà xa trường mà điểm trường Sơn Phú không thực hiện được chế độ bán trú. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc và Ban Giám hiệu trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn đã chỉ đạo tạo mọi điều kiện về lớp học, thiết bị dạy học, phòng ngủ trưa cho các em xóm Rằng.
Đồng thời, Tổ Phụ nữ thuộc Chi hội Phụ nữ xóm Sơn Phú đề xuất với chính quyền xã Cao Sơn vào cuộc, chung tay hỗ trợ các em bằng hành động hết sức ý nghĩa khi tình nguyện nấu bữa trưa cho học sinh xóm Rằng trong những ngày phải học tập xa nhà. Chính quyền xã Cao Sơn, nhân dân và các bậc phụ huynh hết sức vui mừng, ủng hộ, người góp công, người góp của để cùng thực hiện chương trình.
Tại khu bếp của nhà trường, gần 10 thành viên của Chi hội Phụ nữ Sơn Phú mỗi người một việc tất bật trong không khí vui vẻ. Đó không chỉ là tinh thần sẻ chia, đùm bọc nhau trong hoạn nạn mà còn là tình yêu thương lớn lao mà chị em phụ nữ xóm Sơn Phú dành cho các học sinh xóm Rằng - những học sinh nhỏ bé phải đi học xa nhà vì thiên tai, mưa lũ.
Chị Xa Thị Thanh - Trưởng nhóm Chi hội Phụ nữ xóm Sơn Phú - chia sẻ sau khi được sự ủng hộ của chính quyền xã Cao Sơn, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn, chị cùng thành viên Chi hội Phụ nữ Sơn Phú bắt tay thực hiện nấu bữa trưa bán trú cho các học sinh xóm Rằng, với mục tiêu các em sẽ có bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe trong thời gian học tập bán trú xa nhà.
Tiếng trống trường tan buổi học trưa cũng là lúc 32 học sinh của điểm trường xóm Rằng tập trung tại khu sân trường đã căng bạt che mưa nắng. Tại đây, một dãy bàn ghế đã được các cô giáo và thành viên Chi hội Phụ nữ xóm Sơn Phú bày biện những suất cơm tươm tất còn nóng hổi. Các em ngồi hai bên dãy bàn ăn trưa trong những tiếng nói cười râm ran.
Quan sát các học sinh của mình ăn trưa, cô giáo Vũ Thị Châu Loan - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cao Sơn cho biết: "Tôi thực sự cảm động với tấm lòng, tình thương của những chị em Chi hội Phụ nữ xóm Sơn Phú dành cho các em. Tôi gắn bó với nghề giáo ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) từ năm 1991 đến nay, đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến sự vào cuộc rất ấm áp tình người của người dân, sự đồng hành ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, ngành giáo dục huyện chung tay hành động cùng phụ huynh học sinh vượt qua khó khăn, giúp học sinh đến trường học tập an toàn, phụ huynh yên tâm, ấm lòng."
Chị Lý Thị Xuân có con trai là Lường Thiên Phúc, học lớp ghép 1+2 tại điểm trường xóm Rằng, nay đang được học tại điểm trường xóm Sơn Phú, chia sẻ chị luôn cố gắng dành thời gian rảnh của mình để cùng tham gia nấu bữa trưa cùng các thành viên trong Chi hội.
Khi các con học xa nhà, được các cô, bác, thầy cô trong trường cưu mang, giúp đỡ, có những bữa ăn bán trú ngon, đủ dinh dưỡng…, phụ huynh vững lòng và có thêm nhiều động lực để khắc phục khó khăn về sạt lở, phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống.
Trong không khí vui vẻ và ấm áp, các học sinh xóm Rằng ăn suất cơm trưa bán trú ngon miệng, đủ dinh dưỡng. Hai chị em ruột Đinh Khánh Linh (lớp 4) và Đinh Hải Nam (lớp 2) chia sẻ, chưa bao giờ con cảm nhận việc xa nhà mà đầy ắp tình thương như thế, chúng con được ăn trưa, ngủ trưa tại trường.
Bí thư Huyện ủy Đà Bắc Bùi Đức Hậu cho biết trong thời gian tới, huyện sẽ có phương án, quy hoạch bố trí diện tích đất, diện tích nhà ở cho các hộ dân trong diện di dời; đồng thời lên phương án di dời hai điểm trường tại xóm Rằng xã Cao Sơn đến một địa điểm mới an toàn để các thầy cô cùng học sinh yên tâm học tập, công tác./.