Nghệ An: Hàng tấn ngao, vạng giấy, sò biển dạt trắng bãi biển Diễn Châu
Trên bờ biển, người dân chia nhau thành tốp nhỏ để nhặt, phân loại ngao, vạng giấy, sò biển mà sóng đã đánh dạt lên bờ trong đêm hôm trước. Thời tiết có mưa và gió biển thổi khá mạnh.
Chiều 20/9, ông Hồ Công Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An xác nhận thông tin, sáng 20/9, sau bão số 4, hàng tấn ngao, vạng giấy, sò biển đã bị sóng đánh, dạt vào bãi biển trên địa bàn.
Cụ thể, suốt chiều dài gần 1km dọc bờ biển xóm 6 của xã với diện tích khoảng 3ha đã xuất hiện dày đặc các loại ngao, vạng giấy, sò biển. Sau khi một vài hộ dân ra bờ biển kiểm tra, trông coi bè mảng đang neo đậu tránh trú bão trên bờ phát hiện, hàng trăm người dân địa phương và các xã lân cận đã báo tin cho nhau và rủ nhau mang theo dụng cụ ra biển để nhặt về.
Từ sáng sớm, những con đường nối từ khu dân cư xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu, Nghệ An) ra bờ biển dựng đầy xe máy của người dân địa phương và các xã lân cận.
Trên bờ biển, người dân chia nhau thành tốp nhỏ để nhặt, phân loại ngao, vạng giấy, sò biển mà sóng đã đánh dạt lên bờ trong đêm hôm trước. Thời tiết có mưa và gió biển thổi khá mạnh.
Mọi người đều tranh thủ nhặt, phân loại, vận chuyển lên bờ và đưa ngao, sò, vạng đến các khu dân cư bằng xe máy để bán cho tiểu thương ở các chợ.
Người dân địa phương cho biết, rất ít khi bắt gặp ngao, vạng giấy, sò biển dạt vào bờ với số lượng nhiều như thế này.
Đa phần người dân nhặt ngao, vạng, sò về ăn hoặc đem bán cho các thương lái ở các chợ đầu mối trên địa bàn huyện Diễn Châu. Trong vài giờ đồng hồ, nhiều gia đình đã nhặt được đầy bao tải lớn.
Đây là ngao biển có giá trị cao hơn rất nhiều so với ngao nuôi nên thu hút được nhiều người dân đi nhặt. Nhiều người phấn khởi coi đây là “lộc biển” sau mưa bão. Sau một buổi đi nhặt rồi đem bán, thu nhập mang về từ 200.000 đến 1 triệu đồng.
Đến trưa và đầu giờ chiều 20/9, khi thủy triều dâng cao, diện tích bãi biển dần thu hẹp. Nhiều nam giới đã lội, ngâm mình dưới nước biển cả tiếng đồng hồ để xúc và đãi ngao, vạng, sò. Phụ nữ và trẻ em nhặt, phân loại ngao, vạng, sò trên bờ biển.
Theo lý giải của ngư dân, bãi biển Diễn Trung có lượng ngao, vạng, sò dạt vào bờ nhiều bởi khu vực này có bãi biển thoải, bằng phẳng và nông. Bãi biển hình cánh cung, lại gần eo biển Cửa Hiền nên lượng sóng đổ dồn, tập trung về khu vực này nhiều hơn so với các bờ biển thuộc địa phận xã khác trên địa bàn huyện Diễn Châui.
Chính quyền địa phương khuyến cáo, người dân đi nhặt ngao, vạng, sò trên bờ biển cần chủ động các biện pháp an toàn cho bản thân và người thân tham gia cùng. Đặc biệt, khi thủy triều dâng cao, sóng mạnh, gió lớn, mưa to hoặc vào ban đêm thì tuyệt đối không ra biển nhặt ngao, sò, vạng.
Được biết, trong năm 2023 và đầu năm 2024, ở các vùng biển thuộc các huyện, thị xã như Cửa Lò, Quỳnh Lưu (Nghệ An) cũng từng xuất hiện hiện tượng sò huyết, ngao tím bị sóng đánh dạt vào bờ sau các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới./.