Hải Dương muốn phát triển hiện đại phải có con người văn minh hiện đại
Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích tỉnh Hải Dương muốn phát triển văn minh, hiện đại thì phải có con người của xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại.
Trong chương trình công tác tại Hải Dương, sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết năm 2022 trong điều kiện khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới, tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nhờ đó, tình hình kinh tế-xã hội đạt được kết quả quan trọng.
[Cần đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang 'kinh tế nông nghiệp']
GRDP tăng 9,14%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, với công nghiệp, xây dựng 62,4%, dịch vụ 28,9%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,7%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.098 tỷ đồng, tăng 36% so với dự toán giao.
Hiện quy mô kinh tế Hải Dương xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thứ 5/11 ở vùng Đồng bằng sông Hồng.
Nông nghiệp phát triển theo hướng giá trị gia tăng cao, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 187 triệu đồng/ha đất.
Tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chất lượng giáo dục xếp trong nhóm các địa phương dẫn đầu, học sinh giỏi quốc gia xếp 3/63 cả nước; trường đạt chuẩn quốc gia đạt 76,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 31,5%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, có nhiều tiến bộ; tình hình Đảng bộ và nhân dân ổn định.
Hải Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Năm 2045 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông; đảm nhiệm vai trò đầu mối giao lưu kinh tế-xã hội giữa các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với vùng Đông Bắc, vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước.
Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân trên 9%/năm.
Hải Dương đề xuất Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ tỉnh đầu tư một số dự án hạ tầng như nút giao lập thể giữa Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 17B tại huyện Kim Thành; cải tạo, mở rộng tuyến Quốc lộ 37 đoạn từ Quốc lộ 18 qua Côn Sơn-Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua Cầu Đồng Việt; cho phép Hải Dương triển khai đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung của tỉnh; hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện chính sách nhà ở cho người có công và các chính sách an sinh xã hội mới phát sinh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế, xã hội của Hải Dương; phân tích các tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phát triển; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Hải Dương cần tập trung phát huy lợi thế để phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo theo hướng công nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển hài hòa giữa kinh tế với giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị với nông thôn.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực, kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Dương đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua, góp phần vào thành tựu chung của cả nước; đánh giá cao tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, phương châm hành động của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng Hải Dương là vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển: từ xa xưa là phên giậu phía Đông của Kinh thành Thăng Long, gắn liền với tên tuổi, sự nghiệp của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân; có vị trí địa lý quan trọng nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, thuộc Vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, nằm giữa các cực tăng trưởng phía Bắc gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh; hệ thống giao thông thuận lợi; địa hình, đất đai thuận lợi cho phát triển cây trồng; nguồn khoáng sản có trữ lượng lớn; có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch với bề dày văn hóa, văn hiến lâu đời, nhiều di sản văn hóa...
“Đây là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mà tỉnh Hải Dương cần dựa vào để tự lực, tự cường đi lên,” Thủ tướng nhắc nhở.
Về định hướng phát triển Hải Dương trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trước hết, Hải Dương tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30, trên tinh thần như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “Tiền hô hậu ủng; nhất hô bá ứng; trên dưới đồng lòng; dọc ngang thông suốt”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh thực hiện hiệu quả Chiến lược “Bốn trụ cột - Ba nền tảng - Một trung tâm, Ba đô thị động lực - Ba trục phát triển" với trọng tâm là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương dựa trên các trụ cột: Công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hữu cơ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tỉnh Hải Dương phải khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tận dụng sự lan tỏa, hệ sinh thái của các trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh; phát huy tiềm năng về con người, truyền thống văn hóa lịch sử; quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Để đến năm 2030, Hải Dương vào nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; trung tâm công nghiệp động lực vùng Đồng bằng sông Hồng..., Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Hải Dương tập trung đầu tư cho công tác quy hoạch để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, tạo cả lực đẩy và lực kéo cho phát triển.
“Coi quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược; bảo đảm tích hợp, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia,” Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh Hải Dương phải đa dạng hóa các nguồn lực, tăng cường hợp tác công-tư, lấy nguồn lực Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, kích hoạt các nguồn vốn xã hội, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó tập trung đầu tư kết nối giao thông với sân bay, cảng biển, nhất là giữa khu vực Đông Bắc của tỉnh với Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, mở ra không gian phát triển mới.
Hải Dương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số; tăng cường đối thoại, lắng nghe, nắm bắt kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh.
Tỉnh phải tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng theo hướng nâng cao nội địa hóa, thiết kế sản phẩm; phát triển nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm OCOP; phát triển du lịch gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, sản phẩm, dịch vụ đặc thù.
Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh phải bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, lịch sử, giá trị truyền thống; phối hợp với các bộ, địa phương liên quan hoàn thiện hồ sơ đề cử công nhận Quần thể di tích "Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới.
“Tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh để lập hồ sơ; đồng thời nghiên cứu mở rộng quy hoạch, huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công-tư trong quản lý, đầu tư trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch của Quần thể di tích Yên Tử-Vĩnh Nghiêm- Côn Sơn, Kiếp Bạc," Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh tiếp tục quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa khu công nghiệp; coi trọng đầu tư đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
“Con người là yếu tố quyết định, là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển. Muốn phát triển văn minh, hiện đại thì phải có con người của xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại,” Thủ tướng phân tích.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo tỉnh Hải Dương tập trung giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu trong thực hiện nhiệm vụ, biểu hiện “lợi ích nhóm”, “thao túng chính sách.”
Đồng thời, chú trọng xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những đề xuất chính đáng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của tỉnh. Tuy nhiên một số vấn đề, dự án phải cân cân nhắc theo thứ tự ưu tiên và mức độ cần thiết.
Thủ tướng đồng ý thu hồi chủ trương giao Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI) là chủ đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng một số khu công nghiệp; yêu cầu Hải Dương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án, nghiên cứu tìm nguồn vốn để hỗ trợ tỉnh xây dựng nút giao lập thể giữa Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 17B tại huyện Kim Thành; cải tạo, mở rộng tuyến Quốc lộ 37 đoạn từ Quốc lộ 18 qua Côn Sơn-Kiếp Bạc, kết nối tỉnh Bắc Giang qua Cầu Đồng Việt.../.