Hạ viện Mỹ thông qua dự luật chi tiêu tạm thời, ngăn việc chính phủ đóng cửa

Dự luật sẽ gia hạn tài trợ cho xây dựng quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA)... cho đến ngày 19/1/2024.

Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 14/11, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn chặn việc chính phủ liên bang đóng cửa.

Dự luật trên sẽ gia hạn nguồn tài trợ của chính phủ đến giữa tháng 1/2024.

Hiện văn bản pháp luật này đang được chuyển đến Thượng viện xem xét thông qua, nơi các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ và Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ.

Để ngăn chặn việc đóng cửa chính phủ, Thượng viện và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phải thông qua dự luật trên để Tổng thống Joe Biden có thể ký ban hành thành luật trước khi nguồn tài trợ hiện tại cho các cơ quan liên bang hết hạn vào nửa đêm 17/11 tới.

Dự luật chi tiêu tạm thời sẽ mở rộng nguồn tài trợ của chính phủ ở mức hiện tại đến năm 2024, giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để xây dựng các dự luật chi tiêu chi tiết, trong mọi lĩnh vực từ quân đội đến nghiên cứu khoa học.

Dự luật sẽ gia hạn tài trợ cho xây dựng quân sự, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1/2024.

Tài trợ cho tất cả các hoạt động liên bang khác - bao gồm cả quốc phòng - sẽ hết hạn vào tháng 2/2.

Với tỷ lệ ủng hộ 336-95, dự luật trên được coi là chiến thắng dành cho tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người vừa được bầu vào vị trí này chưa đầy 3 tuần trước, sau nhiều tuần hỗn loạn khiến Hạ viện không có người lãnh đạo.

Quốc hội Mỹ đang rơi vào tình trạng bế tắc tài chính lần thứ 3 trong năm nay, sau một mùa Xuân bế tắc kéo dài nhiều tháng về khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD của Mỹ, khiến chính phủ liên bang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Tình trạng này khiến Moody's hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống "tiêu cực" từ "ổn định," vì lo ngại rằng lãi suất cao sẽ tiếp tục đẩy chi phí vay cao hơn./.