Đức: EU khó đạt mục tiêu cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine

Năm ngoái, EU cam kết cung cấp 1 triệu đạn pháo 155 mm cho Ukraine trước tháng 3/2024 nhưng hiện tại các nước EU chỉ vận chuyển được 300.000 viên đạn từ kho dự trữ quốc gia tới Ukraine.

Quân nhân Ukraine tại lễ chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí hạng nặng tại Kiev, ngày 15/11/2018. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Ngày 14/11, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng Liên minh châu Âu (EU) sẽ không đạt mục tiêu cung cấp 1 triệu đạn pháo cho Ukraine trong 1 năm, trong bối cảnh khối này đang tìm cách đảm bảo nguồn cung vũ khí cho Kiev.

Phát biểu tại một cuộc họp với những người đồng cấp EU tại Brussels, ông Pistorius nói rằng: “Mục tiêu 1 triệu sẽ không đạt được. Chúng ta phải thừa nhận điều đó."

Trong khi đó, giới chức EU khẳng định vẫn còn quá sớm để nói rằng khối này sẽ không đạt được mục tiêu trên, dù ngày càng nhiều người hoài nghi về khả năng này.

Đại diện Cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Josep Borrell nói rằng vấn đề chủ yếu là do các công ty quốc phòng châu Âu xuất khẩu khoảng 40% số lượng vũ khí sang các nước khác. Ông Borrell cho rằng EU nên chuyển sang sản xuất vũ khí ưu tiên cho Ukraine và điều này sẽ tạo ra sự thay đổi rất lớn.

Về phần mình, Ủy viên Phụ trách Thị trường Nội khối của EU, ông Thierry Breton nhận định những nỗ lực nhằm tăng cường sản xuất vũ khí đang có tác dụng và EU có thể sản xuất 1 triệu đạn pháo/năm.

Năm ngoái, EU cam kết cung cấp 1 triệu đạn pháo 155 mm cho Ukraine trước tháng 3/2024. Đến nay, các nước EU chỉ vận chuyển được 300.000 viên đạn từ kho dự trữ quốc gia tới Ukraine.

Kể từ khi xảy ra xung đột tại Ukraine, EU và các quốc gia thành viên đã cung cấp khoảng 89 tỷ USD hỗ trợ tài chính, quân sự, nhân đạo cho nước này. Trong đó, hỗ trợ quân sự bao gồm đạn dược, hệ thống phòng không, xe tăng cũng như các loại vũ khí và thiết bị khác.

Liên quan đến hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine, ngày 13/11, giới chức Đức thông báo đang lên kế hoạch cung cấp thêm 2 hệ thống phòng không IRIS-T cho nước này vào cuối năm 2023.

IRIS-T là hệ thống tên lửa tầm trung, được thiết kế để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, cũng như máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái.

Trước đó, Bộ Năng lượng Ukraine cũng thông báo Đức đang lên hoạch chuyển 57,3 triệu USD cho Quỹ Hỗ trợ Năng lượng cho Ukraine.

Số tiền này sẽ được cung cấp như một phần của Quan hệ đối tác năng lượng Đức-Ukraine để mua thiết bị năng lượng cần thiết cho việc khôi phục và sửa chữa các cơ sở năng lượng của Ukraine./.