Hà Nội: Xử lý các 'điểm nghẽn' trong giải quyết thủ tục hành chính

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến của thành phố được tích hợp với Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

Công tác Chuyển đổi Số đã và đang được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tại các địa phương ở Hà Nội. (Ảnh Mạnh Khánh/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường trách nhiệm, tập trung xử lý các “điểm nghẽn” trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố về việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Chuyển đổi Số năm 2023 theo lộ trình; nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

[Cải cách Hành chính - Con người là trung tâm, công nghệ hỗ trợ]

Lãnh đạo các sở, ngành và địa phương chịu trách nhiệm thực hiện công khai thủ tục hành chính trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính và các hình thức công khai theo quy định; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tăng cường các hình thức, biện pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thanh toán trực tuyến đối với phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính; mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt tại các bộ phận một cửa; tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định...

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố giao giám đốc, thủ trưởng các sở và cơ quan tương đương sở tập trung lực lượng, nguồn lực triển khai có hiệu quả “Thi đua nước rút 60 ngày, đêm” thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, hoàn thiện quy trình điện tử để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố, đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến của thành phố được tích hợp với Cổng Dịch vụ Công Quốc gia, hoàn thành trước ngày 15/12/2023.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố các quyết định công bố thủ tục hành chính theo đúng thời hạn quy định; không để xảy ra chậm muộn trong việc công bố thủ tục hành chính trên Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính.

Giám đốc, thủ trưởng các sở và cơ quan tương đương sở tập trung hướng dẫn, phối hợp các đơn vị triển khai các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực phụ trách theo nhiệm vụ về Chuyển đổi Số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bảo đảm hoàn thành theo tiến độ chỉ đạo.

Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố đã có một số chuyển biến, bước đầu đã gắn kết với Chuyển đổi Số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ.

Tuy nhiên, việc thực hiện còn một số “điểm nghẽn” ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ và mức độ đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của thành phố còn chưa cao.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế được xác định như việc phối hợp giữa các các cơ quan, đơn vị của thành phố với nhau và với các bộ, ngành chủ quản còn hạn chế, thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, chưa có sự kết nối, liên thông, đồng bộ dữ liệu giữa các hệ thống chuyên ngành trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính sau khi đi vào vận hành từ ngày 11/4/2023 đến nay còn chậm hoàn thiện, bổ sung các tính năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.

Việc phát huy vai trò của cải cách, tiềm năng của cơ sở dữ liệu cũng như việc huy động sự tham gia, giám sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công còn hạn chế. Các cơ quan, đơn vị chưa phát huy được nhân tố con người trong thực hiện đổi mới, Chuyển đổi Số gắn với thực hiện thủ tục hành chính./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)