PGS Lê Xuân Cung: Dịch đau mắt đỏ kéo dài, nhiều ca điều trị dài ngày
Điểm khác biệt dịch đau mắt đỏ năm nay đó là xuất hiện nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng, bệnh nhân bị viêm cấp phù nề và có rất nhiều giả mạc, kéo dài vài tuần mới khỏi.
Trong thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng một cách nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Đáng lưu ý, có không ít trường hợp phải tới bệnh viện làm những thủ thuật ở mắt do hậu quả của việc đau mắt đỏ diễn biến lâu gây ảnh hưởng đến giác mạc, phải đi bóc giả mạc.
Trước tình hình trên, Phó giáo sư Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã có những chia sẻ với Báo Điện tử VietnamPlus để mọi người có cái nhìn rõ hơn về bệnh đau mắt đỏ hiện nay.
Dịch đau mắt đỏ kéo dài
- Theo bác sỹ, tình hình bệnh đau mắt đỏ năm nay so với những năm trước có đặc điểm gì khác biệt?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay đã kéo dài 2-3 tháng và điểm khác với các năm trước là diễn ra trong thời gian khá dài. Đến nay vẫn có một lượng khá lớn bệnh nhân tới khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Mặc dù những ngày gần đây, bệnh nhân đến khám có xu hướng giảm đi nhưng vẫn còn nhiều. Có những ngày, Bệnh viện ghi nhận 1/3 số lượng bệnh nhân đến khám là bị đau mắt đỏ.
[Ca đau mắt đỏ tăng, nhiều trẻ tới bệnh viện để bóc giả mạc]
Thông thường, dịch đau mắt đỏ hay xảy ra vào mùa nắng nóng. Sau đó qua mùa Hè, vào mùa Thu dịch bắt đầu giảm dần đi. Tuy nhiên năm nay thì dịch kéo khá dài. Giờ đã là giữa mùa Thu mà số trường hợp mắc bệnh ghi nhận vẫn còn nhiều.
Ngoài ra, một đặc điểm khác biệt nữa là xuất hiện nhiều trường hợp bệnh diễn biến rất nặng, bệnh nhân bị viêm cấp phù nề và có rất nhiều giả mạc, bệnh kéo dài vài tuần mới khỏi.
Những người mắc bệnh đau mắt đỏ ở thời gian gần đây có xu hướng ngắn ngày đã khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp mặc dù viêm kết mạc nhẹ hơn nhưng biến chứng lại nhiều hơn.
- Thưa bác sỹ, tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã có trường hợp nặng nào do biến chứng của bệnh gây ra không?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Đau mắt đỏ là bệnh viêm kết mạc cấp do virus gây ra trên lớp mô mỏng trong suốt nằm trên phần tròng trắng của mắt và lót bên trong mí mắt (kết mạc). Khi viêm kết mạc cấp sẽ không ảnh hưởng thị lực và bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, nhưng khi bị biến chứng viêm giác mạc thì giống như chúng ta đeo một cái kính bị xước và nhìn mờ đi hơn bình thường.
Một số trường hợp nhìn vào ánh sáng bị lóa hoặc đôi khi có vận động luồng xanh do tán xạ ánh sáng khi giác mạc bị viêm. Thậm chí có trường hợp đang đỡ dần sau đó tự nhiên thấy triệu chứng mắt mờ đi, điều này có thể do bệnh nhân đã bị biến chứng vào giác mạc và khi đó việc điều trị sẽ khác. Nếu chúng ta không điều trị sớm viêm giác mạc có thể gây biến chứng nguy hiểm. Viêm giác mạc mới là yếu tố đe dọa tới thị lực của người bệnh.
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trường hợp đau mắt đỏ trong tình trạng nặng không nhiều. Bởi bệnh viêm kết mạc cấp do virus hay còn gọi là đau mắt đỏ thường là bệnh lành tính. Khi bệnh nhân đến khám, điều trị kịp thời sau 1-2 tuần sẽ khỏi.
Những trường hợp bệnh nhân đến muộn hoặc tự mua thuốc điều trị thì có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới giác mạc, thậm chí có trường hợp nặng viêm loét giác mạc. Tuy nhiên, tỷ lệ viêm giác mạc vào điều trị sau vài ngày sẽ ổn.
- Hiện nay có nhiều người dân tự ý mua thuốc điều trị đau mắt đỏ. Bác sỹ nghĩ gì về việc này?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Tình trạng bệnh nhân mua thuốc tự tra khá phổ biến. Thực tế bệnh đau mắt đỏ năm nào cũng xảy ra nên tâm lý của người bệnh sẽ coi đây là bệnh thông thường và tự tìm mua thuốc về nhỏ mắt. Tại hiệu thuốc, những dược sỹ sẽ bán một loại thuốc kháng sinh hoặc kháng sinh kết hợp với kháng viêm và thông thường các loại thuốc này có thể chữa khỏi bệnh.
Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân không đáp ứng thuốc khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn và gây viêm ở mức độ nặng mới đến viện muộn. Khi đó, chúng tôi phải dùng nhiều phương pháp điều trị để giữ được thị lực cho bệnh nhân.
-Bác sỹ có thể cho biết với trường hợp bệnh nhân bị viêm kết mạc có giả mạc thì có biểu hiện ban đầu sẽ như thế nào?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Viêm kết mạc có giả mạc là một biểu hiện viêm kết mạc nặng. Nguyên nhân thường do virus, nhiễm khuẩn tấn công vào mắt. Giả mạc là màng viêm màu trắng đục, bám vào mặt sau của mi mắt và chỉ nhìn thấy khi lật mi lên. Khi có giả mạc tại mắt chứng tỏ sức đề kháng của mắt đã yếu, bệnh viêm kết mạc có chiều hướng nặng thêm. Biểu hiện bệnh là mắt đỏ và có ghèn, kèm theo mắt cộm như có cát ở trong khiến bệnh nhân rất khó chịu.
Vì vậy, mắt của bệnh nhân sẽ phù nề, rất nhiều người có thể rất khó mở mắt vào buổi sáng, các mí mắt dính vào nhau và rất khó mở, khó nhìn, nhiều nước mắt chảy ra.
Với những trường hợp bị viêm kết mạc có giả mạc, bệnh nhân cần đến bệnh viện chuyên khoa mắt khám và bắt buộc phải bóc giả mạc đó đi để giảm quá trình viêm và do giả mạc đó sẽ ngăn không cho thuốc ngấm vào mắt.
Bóc giả mạc là một thủ thuật cần phải có chuyên môn của các bác sỹ chuyên khoa, bởi nếu bóc không đúng có thể gây chảy máu hoặc nhiều hậu quả khác như bội nhiễm vi khuẩn nấm nếu không đảm bảo vô trùng.
Có thể tái mắc đau mắt đỏ khi đã khỏi bệnh
- Hiện nay dịch đau mắt đỏ đã kéo dài đến gần 3 tháng, có nhiều người thắc mắc đã bị đau mắt đỏ rồi thì có thể mắc lại không và trong khoảng thời gian bao lâu thì có thể mắc lại thưa bác sỹ?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Về nguyên tắc khi chúng ta bị bệnh gì đó, nhất là bệnh nhiễm trùng do virus thì cơ thể sẽ có miễn dịch để kháng lại và sẽ không bị nhiễm nữa. Tuy nhiên đặc điểm của đau mắt đỏ có rất nhiều chủng virus gây ra chứ không phải chỉ một chủng. Vì vậy, có thể là bệnh nhân bị nhiễm chủng này nhưng vẫn có thể mắc chủng khác ở lần sau.
- Hiện nay nhiều phụ huynh phản ánh là trường học có những trẻ mắc bệnh đau mắt đỏ vẫn học bình thường, về vấn đề này bác sỹ có cái khuyến cáo gì?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Trẻ em khi bị đau mắt đỏ nên nghỉ học, tuy nhiên nhiều phụ huynh rất lo lắng các cháu sẽ không theo kịp chương trình học nên cố gắng đưa trẻ tới trường. Về mặt phòng chống dịch như vậy là không đúng, bởi không cách ly được nguồn lây với cộng đồng. Khi trẻ mắc đau mắt đỏ đi học như vậy khả năng lây nhiễm rất lớn cho trẻ khác.
Theo tôi là khi các cháu bị đau mắt đỏ, phụ huynh nên cho con ở nhà để các cháu có thể tuân thủ điều trị, bởi khi đi học khó có thể dùng thuốc được theo chỉ định của bác sỹ và tránh lây lan bệnh cho những người khác. Ngoài ra, điều này còn giúp chống lây lan bệnh.
- Với những bệnh nhân mới bị đau mắt đỏ thì sẽ có những biểu hiện ban đầu thế nào, thưa bác sỹ?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân sẽ có triệu chứng như mắt cộm, sau đó ngứa, sưng đỏ lên dần dần. Có những người sưng nề, nước mắt giàn giụa...
Nếu chúng ta phát hiện ra bệnh với nghi ngờ thì nên đến khám bác sỹ khám để được điều trị sớm và biết cách cách phòng lây nhiễm cho người khác.
- Thực tế bệnh nhân đau mắt đỏ ở nhà thường tìm tới thiết bị điện tử để giải trí hoặc tranh thủ làm việc và học tập, theo bác sỹ việc này có nên hay không?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Khi đau mắt đỏ cũng giống như chúng bị ốm. Mắt đang ốm thì cần được nghỉ ngơi nên mọi người cần hạn chế xem nhiều điện thoại, tivi hay các thiết bị điện tử. Nếu mắt hoạt động lâu và liên tục sẽ nhức mỏi nhiều hơn và sẽ làm cho việc điều trị lâu khỏi.
Một điều nữa rất quan trọng đó là khi chúng ta dùng điện thoại, máy tính sẽ làm sao nhãng việc không tuân thủ điều trị. Chẳng hạn như bác sỹ dặn một ngày tra thuốc nhỏ mắt từ 4-5 lần, mấy tiếng tra thuốc/lần, nhưng khi chúng ta lướt điện thoại, dùng máy tính nhiều say mê làm quên đi việc tra thuốc, như vậy bệnh sẽ lâu khỏi hơn.
[Talk: Vì sao dịch đau mắt đỏ kéo dài, nhiều ca biến chứng giác mạc?]
- Để hạn chế tình trạng lây lan bệnh đau mắt đỏ trong giai đoạn hiện nay, bác sỹ có những khuyến cáo gì?
Phó giáo sư Lê Xuân Cung: Khi bị đau mắt đỏ, mỗi người chúng ta nên có ý thức phòng dịch để hạn chế lây nhiễm cho người khác bằng cách đeo kính đen để tránh các dịch tiết từ mắt ra ngoài, đeo khẩu trang, khi ho cần tránh vào người khác. Người bệnh cần rửa tay thường xuyên sau khi tay tiếp xúc với mắt như dụi mắt, tra thuốc.
Đặc biệt, bể bơi là môi trường lây nhiễm rất nhanh. Bởi dịch tiết từ mắt của người bệnh vào nước sẽ lây lan rất nhanh, do vậy người bị đau mắt đỏ không nên đi bơi. Người bệnh nếu phải đến nơi đông người nên đeo kính, đeo khẩu trang và hạn chế nói, bắt tay để giữ khoảng cách...
- Xin cảm ơn Phó giáo sư Lê Xuân Cung!