Hà Nội: Tình hình tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp trong năm 2024

Năm 2024, tại Hà Nội xảy ra 37 vụ tai nạn lao động, trong đó có 27 vụ gây chết người, làm 31 người chết, chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng biện pháp an toàn lao động.

Thời gian qua, mặc dù công tác an toàn, vệ sinh lao động được các cấp, ngành của Hà Nội quan tâm chỉ đạo, song trên địa bàn Thủ đô vẫn liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động, gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thất lớn về người và tài sản.

Theo báo cáo của các cấp Công đoàn, năm 2024, tình hình tai nạn lao động còn diễn biến phức tạp, xảy ra 37 vụ tai nạn lao động, trong đó có 27 vụ gây chết người, làm 31 người chết. Nguyên nhân chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp không xây dựng các biện pháp, phê duyệt phương án an toàn lao động; công tác tuyên truyền, tập huấn không thường xuyên liên tục, không sát với công việc của người lao động; việc quản lý, kiểm định, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động còn nhiều vi phạm.

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động và kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn lao động cũng như đảm bảo quyền được làm việc an toàn của người lao động, sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động xảy ra, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà yêu cầu các cấp, ngành ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2025 triển khai các nhiệm vụ, biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động.

Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất an toàn lao động, xây dựng và triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống dịch bệnh; trung bình hằng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.

Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, tổng công ty, đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong tình hình mới.

(Ảnh minh họa. Tường Quân/TTXVN)

Thành phố phấn đấu 100% số người tham mưu công tác quản lý về an toàn, vệ sinh lao động cấp huyện và trong các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn. Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hay làm y tế, an toàn vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có môi trường làm việc nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin phù hợp về an toàn, vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, Hà Nội đảm bảo 100% số người thuộc lực lượng sơ, cấp cứu tại các cơ sở đông lao động, cơ sở lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp được tập huấn, cập nhật về sơ, cấp cứu; giảm 15% số người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp; đảm bảo trên 50% số người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được khám, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp.

Thành phố đảm bảo 100% người lao động đã xác nhận bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều trị và phục hồi chức năng lao động; 100% vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người được khai báo, điều tra, xử lý; 100% đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thành lập được mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Đồng thời, thành phố triển khai lồng ghép dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động, sức khỏe người lao động.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, Hà Nội sẽ tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ như nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động và nghiệp vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; xây dựng, phát triển không gian truyền thông; triển khai các dự án về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đặc biệt, Hà Nội yêu cầu tăng cường thanh, kiểm tra, lồng ghép việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; quản lý, giám sát việc triển khai các dự án.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội là đơn vị chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai các nhiệm vụ trên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch An toàn lao động, vệ sinh lao động của thành phố. Đồng thời, Sở chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Sở Y tế, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, chết người.

Tư vấn pháp luật miễn phí cho công nhân lao động. (Ảnh: TTXVN phát)

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, nội dung các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động, tập trung triển khai tại các khu vực làng nghề có nhiều nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động và người lao động không theo hợp đồng lao động trên địa bàn quản lý.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết năm 2024, các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia.

Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức tôn vinh "10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động;" 7 chuyến đi nghỉ dưỡng cho 629 công nhân lao động; thăm hỏi, trợ cấp cho công nhân lao động bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp với số tiền 474 triệu đồng; tuyên truyền, vận động trên 45.000 công nhân viên chức, lao động tham gia cuộc thi trực tuyến "Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động"./.